Kinh tế

Đại gia Nhật đổ tiền vào nhà đất Việt: Thầm lặng tỷ USD

Nhà đầu tư Nhật Bản đang mạnh tay rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy đến sau nhưng bằng cách bắt tay, cùng tham gia phát triển dự án địa ốc với doanh nghiệp trong nước hoặc theo phương thức M&A, các DN Nhật Bản đặt mục tiêu ngay lập tức có thể có doanh thu.

Đến sau không chậm chân

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật đã có sự thay đổi, thay vì tự mình đầu tư dự án, thì gần đây, họ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện hoặc mua lại dự án để tiếp tục triển khai.

Mới đây, tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Mitsubishi vừa ký kết thành lập Liên doanh để phát triển một phần thuộc dự án The Manor Central Park (Hà Nội). Theo đó, Bitexco và Mishubishi sẽ thành lập một công ty liên doanh, trong đó Bitexco nắm giữ 55% cổ phần và Mitsubishi nắm giữ 45% cổ phần.

Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, công ty Mitsubishi và Bỉtexco thỏa thuận thành lập một công ty liên doanh cùng phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1036 căn hộ. Ước tính, tổng số tiền đầu tư ban đầu là khoảng 290 triệu USD Mỹ.

Nhà đầu tư Nhật rót vốn vào BĐS Việt Nam


Tại TP.HCM, Công ty xây dựng Meada (Nhật Bản) đã ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức để đầu tư xây dựng dự án Wateria Suites (quận 2). Đây là dự án BĐS cao cấp, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Cũng tại TP.HCM, quỹ đầu tư Creed Group hợp tác cùng Công ty An Gia Investment và PDR triển khai dự án River City, với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. River City có tổng diện tích trên 11 ha, với khoảng 8.000 căn hộ, office-tel và shop house.
Tập đoàn này thâm nhập vào thị trường BĐS Việt Nam năm 2014, thông qua việc rót 600 tỷ đồng hợp tác với Công ty Năm Bảy Bảy triển khai Dự án City Gate Towers tại quận 8, TP.HCM.

Cũng giống như Creed, hai công ty Nhật Bản là đối tác của Nam Long là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã rót thêm vài trăm tỷ đồng mua 50% vốn của Dự án Fuji Residence tại quận 9 (TP.HCM).

Hay Công ty Toshin Development (thành viên của Tập đoàn Takashimaya, Nhật Bản) đã đề xuất với TP.HCM đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại khu vực chợ Bến Thành, với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực bất động sản, cho đến nay, đình đám nhất tại khu vực phía Nam có thể kể đến Khu đô thị Tokyu Bình Dương. Đây là dự án hợp tác giữa Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) với Becamex IDC, với vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD.

Đầu tư kiểu Nhật

Theo đại diện của một doanh nghiệp Nhật Bản, gần đây, các DN nước này đã nhận ra sự hấp dẫn của thị trường BĐS Việt. Trong khi đó, việc Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở cũng là động lực để các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm hơn.

Căn hộ là phân khúc được nhà đầu tư Nhật quan tâm


Theo ghi nhận của Savills, trong năm qua một số nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào thị trường M&A bất động sản ở Việt Nam với cấp độ dự án, tham gia mua lại cổ phần một số dự án của các công ty niêm yết. Họ bắt tay cùng các nhà phát triển bất động sản trong nước để phát triển loại hình sản phẩm nhà ở có giá trị trung bình.

Theo Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ quan tâm đến các dự án đã hiện hữu, tài sản đã tạo ra dòng tiền. Mục đích chính là ngay khi vào VN, họ mua các tài sản đó thì có thể tạo ra doanh thu ngay lập tức.
Nhóm thứ hai sẽ tham gia phát triển cùng với các nhà đầu tư có tên tuổi trong nước. Việc này sẽ giúp cho họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm địa phương và cũng là cách để họ tạo được thị trường cho chính họ.

Còn về hình thức M&A, đối với các sản phẩm tài sản đã tạo ra dòng tiền rồi (cao ốc văn phòng, khách sạn,...) thì các nhà đầu tư Nhật Bản thường sẽ mua lại 100% ngay hoặc mua 80% và nhận chuyển nhượng.

Trong khi đó, đối với các dự án phát triển mới nhà ở như khu đô thị, khu dân cư thì họ sẽ tham gia M&A dự án dưới hình thức cùng phát triển luôn đi cùng với các nhà đầu tư trong nước.

Tổng hợp của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, dòng vốn vào bất động sản, xây dựng của các nhà đầu tư Nhật Bản đã tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Năm 2015, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 1,84 tỷ USD, 281 dự án đăng ký cấp mới và 129 dự án đăng ký tăng vốn. Trong đó, BĐS chỉ xếp sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng.

Tác giả bài viết: Duy Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP