Nếu thực hiện thành công, Chủ tịch HĐQT sẽ giảm sở hữu xuống 77,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 61,49%. Trước đó, trong khoảng thời gian từ 15/9 đến 20/9, ông Huy đã bán ra 4,1 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ 84 triệu đơn vị xuống 80 triệu đơn vị. Giao dịch được thực hiện qua bán trên sàn. Tính tổng cộng ông Huy bán ra 6,5 triệu cổ phiếu PSH.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi cổ phiếu PSH chào sàn HoSE, Chủ tịch HĐQT có động thái bán ra cổ phiếu. Việc này trái ngược so với dự định góp vốn thêm vào doanh nghiệp trước đó.
Trước thềm tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2023 vài ngày, doanh nghiệp công bố tờ trình phương án chào bán riêng lẻ 42 triệu cổ phiếu với giá 13.100 đồng/cp, huy động 550,2 tỷ đồng. Người mua gồm ông Mai Văn Huy (38 triệu cổ phiếu), bà Võ Bích Trâm (3,2 triệu cổ phiếu) và ông Đỗ Thanh Sang (800.000 cổ phiếu). Thời điểm thực hiện trong quý III hoặc IV/2023 sau khi được UBCK chấp thuận, mục tiêu để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, tại đại hội (27/6), HĐQT đã không trình phương án tăng vốn trên. Ông Mai Văn Thành, Thành viên HĐQT khẳng định tăng nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới là rất cần thiết. Song, ban lãnh đạo cần có thời gian chuẩn bị, đánh giá một cách kỹ việc tăng vốn sao cho đạt hiệu quả cao nhất, mang lại lợi ích tối đa nhất. HĐQT sẽ trình kế hoạch tăng vốn trong kỳ ĐHCĐ tiếp theo, theo hình thức cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
Ngoài ra, một thành viên HĐQT khác của NSH Petro có tên trong danh sách mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ thực hiện bán ra là bà Võ Bích Trâm. Vào ngày 31/8, bà Trâm đã bán thành công 1,67 triệu cổ phiếu PSH qua sàn. Sau đó, lãnh đạo này tiếp tục đăng ký bán 1,14 triệu cổ phiếu còn lại từ 27/9 đến 26/10. Nếu giao dịch thành công, bà Trâm sẽ không còn là cổ đông lớn của NSH Petro. Mục tiêu giao dịch cũng để đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Như vậy, không chỉ hủy việc góp vốn thêm mà 2 lãnh đạo của NSH Petro còn có động thái thoái vốn.
Cổ phiếu PSH từ cuối tháng 8 đến nay giao dịch quanh vùng 11.000 – 12.000 đồng/cp, thấp hơn 20% so với vùng giá tháng 7 nhưng gấp 3 lần đáy tháng 11/2022.
Trong nửa đầu năm, bất chấp giá xăng dầu giảm, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu ghi nhận doanh thu giảm, riêng NSH Petro báo cáo doanh thu tăng 8,8% lên 4.449 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 13,4%, cải thiện so với việc lỗ gộp cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, dù chi phí lãi vay gần gấp đôi lên 206 tỷ đồng, doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 267 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 248 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải cơ chế ổn định giá xăng dầu trong nước, cộng với tiết giảm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giúp lợi nhuận tăng cao.
NSH Petro là doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo cập nhật trên website, doanh nghiệp có 67 cửa hàng và 550 đại lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có nhà máy lọc hóa dầu công suất 700.000 lít thành phẩm/ngày, hệ thống 9 kho cầu cảng với tổng sức chưa hơn 500.000 m3.
Định hướng của doanh nghiệp năm nay là tập trung mảng bán với mục tiêu đạt 500 cây xăng trong tương lai, chiếm lĩnh thị phần.
Đại gia Mai Văn Huy được biết đến là nguyên Giám đốc Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Tháp. Ông Huy từng bị tuyên phạt mức án chung thân (cho 2 tội danh cố ý làm trái và buôn lậu) và 15 năm tù vì tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, sau 9 năm 21 ngày thụ hình tại Trại giam An Điềm - thuộc Cục V26 đặt tại Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ông Mai Văn Huy đã được Chủ tịch nước xem xét và đặc xá (ngày 2/9/2009). Tên tuổi ông Mai Văn Huy gắn liền từ những ngày đầu NSH Petro ra đời. Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện cơ cấu cổ đông sáng lập (năm 2012) của NSH Petro gồm: Ông Nguyễn Tiến Thắng (50%), Mai Văn Huy (6,67%), Mai Văn Chánh (6,67%), Mai Văn Khương (1,67%) và CTCP Thương mại Hóa dầu Nam Sông Hậu (33,33%). Trải qua nhiều lần tăng vốn, ông Huy dần sở hữu nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp. Sau đợt tăng vốn tháng 3/2019 (từ 800 tỷ lên 1.262 tỷ), tỷ lệ sở hữu của ông Huy đã giảm xuống hơn 66,65%, song nhiều khả năng đây chỉ là biện pháp kỹ thuật để phục vụ mục tiêu đại chúng hoá và đưa cổ phiếu NSH lên sàn HOSE. Còn thực tế vai trò của doanh nhân sinh năm 1961 vẫn là tuyệt đối tại doanh nghiệp. "Đế chế" NSH Petro càng được phác họa rõ nét hơn khi doanh nghiệp này trở thành công ty đại chúng sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận vào ngày 20/12/2019. Đến đầu năm 2020, hơn 126 triệu cổ phiếu PSH của công ty này đã được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Ông Huy cũng có tiếng nói chi phối khi có ít nhất 2/5 người thân trong HĐQT NSH Petro. Cụ thể đó là con trai ông Huy – ông Mai Hữu Phúc (sinh năm 1988) và em trai là Mai Văn Thành (1976). |
Tác giả: MỸ HÀ
Nguồn tin: nhadautu.vn