Mới đây, ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố, người nhà ông Hồ Hùng Anh (1970), một đại gia Việt kín tiếng nằm trong nhóm kinh doanh từ Đông Âu, đăng ký nhận chuyển nhượng số cổ phiếu Techcombank, trị giá lên tới cả tỷ USD. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ của ông Hùng Anh đăng ký nhận chuyển nhượng gần 57,96 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 27/4-10/5/2018 để nâng sở hữu lên hơn 58 triệu cổ phần TCB (tương đương 4,98% vốn TCB).
Doanh nhân Hồ Hùng Anh- đại gia kín tiếng |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh, đăng ký nhận chuyển nhượng hơn 58 triệu cổ phiếu TCB (4,98% vốn điều lệ). Con trai Hồ Anh Minh cũng nhận chuyển nhượng 30,18 triệu cổ phiếu TCB (2,59% vốn điều lệ).
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu 13,1 triệu cổ phiếu Techcombank. Như vậy, nếu các giao dịch trên thực hiện xong, nhà ông Hồ Hùng Anh sẽ nắm tổng cộng 159,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương gần 14% vốn điều lệ.
Được biết, Techcombank dự kiến chào bán cổ phiếu với giá 120.000-128.000 đồng/cp, huy động khoảng 900 triệu USD. Vốn hóa khi đó sẽ khoảng 6 tỷ USD. Đây cũng là mức giá cổ phiếu TCB đang giao dịch trên thị trường OTC. Như vậy, với mức giá dự kiến trên, gia đình nhà ông Hồ Hùng Anh có thể sẽ sở hữu số cổ phần trị giá lên tới gần 20,4 ngàn tỷ đồng (suýt soát 1 tỷ USD). Nếu không có gì thay đổi, khối tài sản của gia đình ông Hồ Hùng Anh giàu nhất trong khối ngân hàng.
Những thương vụ đăng ký mua bán khủng diễn ra ở vào một thời điểm trước khi Techcombank lên sàn và ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan sau 10 năm nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch tập đoàn này để chọn làm Chủ tịch Techcombank theo quy định của pháp luật.
Theo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng không được làm thành viên Hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp khác. Do vậy, nhiều sếp ngân hàng sẽ phải lựa chọn hoặc là doanh nghiệp, hoặc ngân hàng.
Nhiều tờ báo đánh giá, quyết định của ông Hồ Hùng Anh cũng giống như quyết định của nhiều doanh nhân đang giữ vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng và doanh nghiệp khác như bà Thái Hương – từ nhiệm vị trí Chủ tịch của Tập đoàn TH để làm phó Chủ tịch của ngân hàng Bắc Á, ông Dương Công Minh chọn vị trí Chủ tịch HĐQT của Sacombank thay vì Chủ tịch của Him Lam, ông Đỗ Minh Phú cũng chọn TPBank thay vì Doji.
BizLIVE thông tin, ông Hồ Hùng Anh một doanh nhân khá kín tiếng và hầu như không xuất hiện trên báo chí, ông được nhiều người biết đến khi nằm trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Ông Hồ Hùng Anh là thành viên HĐQT của Techcombank từ năm 2004 và trở thành Chủ tịch Techcombank từ năm 2008. Tại Masan, từ năm 1997, ông là Phó Chủ tịch HĐQT của công ty cổ phần Đầu tư Masan (tên cũ của công ty cổ phần tập đoàn Masan hiện nay), Tổng giám đốc công ty Masan - Rus Trading tại Nga. Ông đã giữ vị trí phó chủ tịch của công ty cổ phần tập đoàn Masan và vừa "tạm biệt" Masan, chọn làm Chủ tịch HĐQT của Techcombank.
Quay trở lại câu chuyện mua bán cổ phiếu, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mua bán lòng vòng khối lượng cổ phiếu cực lớn là một điều thường thấy đối với các ngân hàng sắp lên sàn. Hồi cuối năm 2015, một làn sóng mua bán khối lượng lớn tương tự cũng đã diễn ra tại Techcombank. Khi đó hàng loạt lãnh đạo Techcombank đăng ký bán 90 triệu cổ phiếu, chiếm gần 10,3% vốn ngân hàng này.
Khi đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank đã đăng ký bán hơn 9,5 triệu cổ phiếu. Em trai ông Hùng Anh đăng ký bán gần 8,9 triệu cổ phiếu TCB. Vợ ông Hồ Hùng Anh đăng ký bán hết hơn 27,7 triệu cổ phần. Một công ty do bà Thủy làm giám đốc cũng bán hơn 9,5 triệu cổ phần.
Các giao dịch được thực hiện qua phương thức thỏa thuận với mục đích nhằm cơ cấu danh mục đầu tư đảm bảo giới hạn tỷ lệ sở hữu theo Luật các tổ chức tín dụng. Hồi cuối 2014, ông Hồ Hùng Anh cũng đã chuyển nhượng gần 16 triệu cổ phiếu MSN thuộc sở hữu theo như đăng ký từ trước với trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng.
Tác giả: N.G (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Người đưa tin