Chiều 18-10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng các đại biểu không nên giao lưu tiệc tùng trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội |
Trả lời cầu hòi về việc tại phiên họp 28 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lưu ý các vị đại biểu không nhận lời mời tiệc tùng khi về Hà Nội dự họp, vậy việc này đã được phổ biến đến các vị đại biểu chưa?
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp lần thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội có nhắc là tại kỳ họp nên tránh việc tiệc tùng, gây phản cảm trong dư luận xã hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nêu gương, không tổ chức và tham gia các cuộc liên hoan, dự tiệc.
"Tôi nghĩ rằng vào dịp lấy phiếu tín nhiệm lần này, đề nghị của Chủ tịch Quốc hội càng có ý nghĩa vì các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tiệc tùng lúc này có thể gây hiểu nhầm. Và việc này cần được thực hiện suốt thời gian diễn ra kỳ họp chứ cũng không chỉ vào dịp lấy phiếu"- ông Phúc nói.
Tại kỳ họp thứ 6 này, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với tổng cộng 48 người (trừ Chủ tịch nước và bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông do mới được Quốc hội bầu tại kỳ họp thứ 6).
"Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số bộ trưởng có nội dung trong nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4)"- Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Về quy trình, ông Phúc thông tin là hồ sơ phục vụ việc lấy phiếu như báo cáo của người được lấy phiếu, đã được gửi đến các vị đại biểu trước 30 ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu.
Trước câu hỏi cử tri có quyền nhắn nhủ công khai với đại biểu Quốc hội là nên bỏ tín nhiệm cao hay thấp cho vị lãnh đạo nào đó họ quan tâm hay không, tổng thư ký Quốc hội cho biết quá trình họp có phá sóng (điện thoại) trong phòng họp, còn về nhà ai trao đổi với đại biểu thì "đó là quyền của công dân là chuyện bình thường, được pháp luật bảo vệ. Có điều đại biểu cần chọn lọc chứ không phải ý kiến nào cũng nghe".