Đảm bảo đầy đủ khu vực, trang thiết bị, thuốc, vật tư
Ngày 11/7, ông Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng đã có yêu cầu khẩn thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, sẵn sàng thu dung điều trị hiệu quả bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin trên địa bàn.
Theo ông Tùng, ngày 7/7 và 8/7, tại tỉnh Bắc Giang và tỉnh Nghệ An đã ghi nhận một số trường hợp mắc, tử vong do bệnh bạch hầu. Bên cạnh đó, bệnh ho gà đang có xu hướng tăng nhanh, tăng cao tại một số địa phương (thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...).
Đến nay, thành phố Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ, xác định mắc bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, việc thực hiện thực hiện quyết liệt các biện pháp giám sát, phát hiện bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng để tăng cường thực hiện phát sớm, xử lý, thu dung, điều trị, kiểm soát bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin là rất quan trọng.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với y tế cơ sở, các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin. Việc này đặc biệt cần chú ý nhất là các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn, nhà trọ, khu công nghiệp.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm (nhất là các trường hợp trở về từ những khu vực ghi nhận ca bệnh), xử lý ca bệnh, ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin. Hướng dẫn người tiếp xúc gần, người trong ổ dịch (nếu có) sử dụng kháng sinh dự phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng, không hoang mang, lo lắng.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được yêu cầu khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, ho gà, các bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn, phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế bộ, ngành, tư nhân trên địa bàn.
Các đơn vị này rà soát quy trình, đảm bảo đầy đủ khu vực, trang thiết bị, thuốc, vật tư,... để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm chéo cho người bệnh và nhân viên y tế trong cơ sở khám, chữa bệnh…
Vi khuẩn sẽ bị giết chết sau vài giờ dưới ánh sáng mặt trời
Cũng theo ông Tùng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhầy bảo vệ.
Người nhà bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. |
Vi khuẩn này có thể sống trên vải như chăn, màn, quần áo, gối được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát, đũa, đồ chơi có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống sống 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.
Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị giết chết sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút và bị giết chết nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hóa chất khử trùng thông thường.
Vị Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý, mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi; miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc-xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu là viêm họng, mũi, thanh quản. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm, làm sưng tấy vùng cổ. Khám thấy có giả mạc trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy mủ.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có đủ điều kiện để điều trị và cách ly kịp thời với mọi người xung quanh để tránh lây lan bệnh.
Bác sĩ sẽ thực hiện điều trị chống ngoại độc tố bạch hầu để trung hòa các độc tố trong máu bằng cách tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Đồng thời, điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.
Tất cả bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân có thể mắc bệnh phải được cho đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể mắc bệnh cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định.
Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác, nghi ngờ mắc bệnh đều cần phải được nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy máu xét nghiệm.
Các bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm kể cả người lành mang trùng phải được đeo khẩu trang, cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.
Đối với người tiếp xúc được tổ chức cách ly tại nhà, theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh.
Nguồn tin: nguoiduatin.vn