Hầm Mũi Trâu, dự án thành phần của cao tốc La Sơn - Túy Loan, là số ít hạng mục đã hoàn thành - Ảnh: Hoàng Sơn |
Vướng mặt bằng
Ban quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết dù đã tích cực phối hợp với H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) để bàn giao mặt bằng tại các đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, nhưng 11,5 km đoạn Hòa Liên - Túy Loan (Km 66-Km 77) hiện tại mới bàn giao được... 1,5 km. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy mô cao tốc chưa được người dân ủng hộ.
“Người dân yêu cầu đền bù tất cả diện tích đất của mỗi hộ. Tuy nhiên, nếu đền bù như vậy sẽ thừa phần đất nằm ngoài phạm vi dự án cần”, đại diện Ban QLDA nói.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, Bộ GTVT và UBND TP.Đà Nẵng họp và nghiên cứu điều chỉnh quy mô dự án và quy hoạch đường gom cho phù hợp, đồng thời giao cho Ban GPMB H.Hòa Vang khảo sát, điều tra tổng hợp lập khái toán kinh phí GPMB theo các phương án nghiên cứu.
Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết do việc mở rộng đoạn tuyến 11,5 km bị kéo dài nên dự án đang chịu áp lực rất lớn về trả lãi vốn vay vì chậm bàn giao mặt bằng. Theo ông Thọ, hiện đã trả lãi đến lần thứ 4 với tổng số tiền phải trả lên đến 132 triệu USD.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đặt vấn đề về vốn vay đối với 2 nhà máy thép. “Nếu họ có đề án, TP đồng tình thì ngân hàng giúp họ cái để họ có khoản tiền di chuyển dây chuyền sản xuất. Cá nhân tôi thì nên đồng tình ủng hộ, hỗ trợ DN lãi vay. Với phần đất 2 nhà máy thép còn lại, nếu TP có chính sách thì có thể xem xét chuyển đổi, sử dụng phù hợp”, ông Nghĩa gợi mở.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, cho biết để đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn 2, cần ưu tiên bàn giao mặt bằng sạch những đoạn đất rừng, đất nông nghiệp trước ngày 30.9. Mặc dù tiến độ được ấn định vào cuối quý 3.2019, nhưng đến nay đoạn này vẫn ngổn ngang nhiều hạng mục; một số hạng mục phụ trợ, bổ sung phát sinh, hệ thống đường gom dân sinh, mương dẫn dòng dọc tuyến… chưa có mặt bằng để triển khai. Trong đó, đoạn Km 0-Km 66 hiện đang vướng 12 vị trí mương dẫn, 10 vị trí đường gom kết nối dân sinh, mương thủy lợi; 3 vị trí xử lý sụt trượt do phát sinh chưa có mặt bằng thi công. Ban GPMB vận động và chi trả lần 3 nhưng chỉ có 20/70 hộ nhận. 16/90 hộ dân không nhận tiền lu rung, nứt nhà dân và tiếp tục ngăn cản thi công phần lề đất và rãnh thoát nước dọc…
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, những hộ có thửa đất ở và đất nông nghiệp ở tuyến chính và một phần tuyến đường gom sẽ giải tỏa hẳn; những hộ có đất nằm hoàn toàn ở tuyến gom trở đi thì giữ nguyên. Nếu người dân không dính đến tuyến chính thì không được quyền cản trở, nếu không xử lý ngay… Rất nhiều áp lực trên công trường khi cuối quý 3.2019 phấn đấu thông xe kỹ thuật đoạn Km 0-Km 66.
Nhà máy thép: nhiều bên “kêu cứu”
Hai nhà máy thép Dana Ý và Úc bị TP.Đà Nẵng tạm dừng hoạt động để giải quyết xung đột với người dân, khiến không chỉ doanh nghiệp (DN) thép, mà cả 3 ngân hàng lớn cũng kêu cứu vì nợ xấu hơn 800 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc và Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đà Nẵng hôm 28.8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nêu rõ quyết tâm của TP tạo điều kiện cho DN phát triển, tuy nhiên phải dứt khoát gìn giữ môi trường.
Nhà máy thép Dana Ý dừng hoạt động từ tháng 2.2018 đến nay - Ảnh: Nguyễn Tú |
Tại cuộc làm việc này, ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Agribank Đà Nẵng, cho biết đơn vị đang dính nợ xấu 177 tỉ đồng khi cho Công ty CP thép Dana Ý và Công ty CP thép Dana Úc vay. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc BIDV Hải Vân, cũng đánh giá chuyện nhà máy dừng hoạt động, không thu hồi nợ được không chỉ khiến Dana Ý nợ xấu 218 tỉ đồng, mà còn đẩy khách hàng của DN thép này là Thành Lợi dư nợ đến 208 tỉ đồng, tiềm ẩn rủi ro rơi vào nhóm nợ xấu. Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Quang Việt, Giám đốc Vietcombank Đà Nẵng, cho hay Dana Ý, Dana Úc nợ xấu 228 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công thương TP đồng tình đề xuất phương án di dời nhà máy thép nhưng không sản xuất luyện thép. Qua đối thoại, Dana Ý đồng ý chủ trương di dời của TP nhưng “tâm tư” chuyện dính nợ xấu, ngân hàng không cho vay nên hết sức khó khăn…
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho hay TP rất chia sẻ với 2 DN và có cách tháo gỡ bài bản, trước tiên phải khôi phục sản xuất; nhưng người dân không cho thì TP có phương án di dời. Theo Bí thư Thành ủy, vừa qua DN đề xuất cho sản xuất phần cán thép tại chỗ, chứ không luyện (không gây ô nhiễm), nhưng người dân không đồng tình vì vẫn ô nhiễm tiếng ồn. UBND TP định hướng di dời vào KCN Hòa Khánh phần sản xuất không gây ô nhiễm (phần cán), nhưng không được ảnh hưởng DN khác. “Còn phần luyện dứt khoát không được, bụi lên mưa xuống, nước 1 màu gỉ sắt xung quanh đó”, ông Nghĩa nói.
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Dana Ý, bày tỏ sự đồng thuận với hướng giải quyết của TP.Đà Nẵng về việc chuyển nhà máy cán thép vào KCN Hòa Khánh, còn nhà máy luyện thép phải di dời đi tỉnh khác vì Đà Nẵng không còn đất cho luyện thép. “DN mong TP hỗ trợ kinh phí, bù đắp lãi vay. Còn đất DN tại nhà máy thì cho chuyển đổi mục đích, đồng nghĩa với DN bán tài sản của mình để bù lỗ, TP chuyển thì DN mới vượt qua được và tạo việc làm cho người lao động”, ông Huỳnh Văn Tân mong mỏi.
Tác giả: Hoàng Sơn - Nguyễn Tú
Nguồn tin: Báo Thanh niên