Gia đình ông Hướng bên “công trình xây dựng” nghiệt ngã. |
Cụ thể, gia đình ông Hướng có căn nhà tại đường Nguyễn Lương Bằng, diện tích 81m2 do Nguyễn Văn Cường (con ông Hướng) đứng tên, trong đó 28,6m2 nằm trong quy hoạch hành lang an toàn đường sắt.
Gia đình ông Hướng trước đó sống ở nơi khác. Khi nhiều người trong khu bị nhiễm Covid-19, gia đình ông lo lắng nên dọn về nhà con trai. Nhà vệ sinh của căn nhà này bị hư hỏng, gia đình mua vật tư về sửa chữa nhằm tránh ô nhiễm.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 4/8, khi thợ đang xây sửa thì bị Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận kiểm tra, phát hiện xây dựng công trình không phép, trong đó có 4,8m2 vi phạm hành lang an toàn đường sắt, nên lập biên bản và tháo dỡ công trình.
Chiều cùng ngày, Cường điện cho cha mẹ biết sự việc, nói thợ tiếp tục xây lại. Sau đó, Phó Chủ tịch phường nhận được tin báo nhà ông Hướng tiếp tục xây dựng công trình trái phép nên chỉ đạo tổ quy tắc đô thị phường và dân quân tự vệ xuống kiểm tra, xử lý theo quy định.
Tổ công tác xuống hiện trường tiếp tục lập biên bản vi phạm, yêu cầu gia đình dừng việc xây dựng và tháo dỡ công trình nhưng không được hợp tác. Tổ công tác báo cáo lãnh đạo phường, yêu cầu cử thêm lực lượng xuống hỗ trợ.
Ông Nguyễn Thương, thành viên trong tổ công tác đã xô đổ sập bức tường nhà vệ sinh vừa xây dựng. Cho rằng việc làm của ông Thương là sai trái nên gia đình ông Hướng phản ứng và xảy ra xô xát. Hậu quả của cuộc ẩu đả làm ông Thương bị trầy xước ở chân trái với thương tật 4%. Ba cán bộ công an phường vào can ngăn cũng bị trầy xước nhẹ.
Gia đình ông Hướng cho biết, sau khi vụ việc xảy ra đã nhận thức được hành động nóng nảy, thiếu kiềm chế của mình là sai nên xin lỗi tổ công tác. Các nạn nhân cũng có đơn yêu cầu không khởi tố và xử lý trách nhiệm hình sự với gia đình ông Hướng cũng như một số người khác có liên quan.
Cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vợ chồng ông Hướng và con trai cùng hai người thợ hồ mỗi người 2,5 triệu đồng. Tưởng rằng sau khi chấp hành việc đóng phạt đầy đủ thì vụ việc sẽ được khép lại. Tuy nhiên, nhiều người trong gia đình ông Hướng tiếp tục bị truy cứu tội “chống người thi hành công vụ”.
Tại phiên tòa hồi cuối tháng 9 vừa qua, đại diện VKSND quận Liên Chiểu đề nghị tuyên ông Hưởng mức án từ 6-9 tháng tù cho hưởng án treo; bà Chiến mức án 6-9 tháng cải tạo không giam giữ và người con trai là Nguyễn Văn Cường mức án 12-15 tháng tù.
Theo VKS, cả ba người trong gia đình ông Hướng có thân nhân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bản thân ông Hướng là con liệt sĩ, có cả mẹ lẫn bà nội là Mẹ VNAH… nên xem xét giảm nhẹ như trên.
TAND quận Liên Chiểu sau đó tuyên ông Hướng mức án 9 tháng tù giam về tội “chống người thi hành công vụ”. Cùng tội danh, vợ ông Hướng là Nguyễn Thị Chiến bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; người con trai là Nguyễn Văn Cường bị tuyên mức án 18 tháng tù.
Cho rằng bản án “nặng tay”, gia đình ông Hướng đã làm đơn kháng cáo và gửi đơn cứu xét. Theo bà Chiến, nhà vệ sinh cũ bị hư hỏng, bốc mùi hôi thối nên gia đình mới mua ít vật liệu về sửa chữa để đảm bảo vệ sinh.
“Do trong mùa dịch Covid-19, bộ phận một cửa của quận không làm việc nên gia đình không xin phép khi sửa chữa. Hơn nữa, nghĩ sửa lại nhà vệ sinh sơ sài nhưng không ngờ sự việc lại dẫn đến kết cục cho gia đình như vậy. Chỉ vì một phút nóng giận đã phá tan tất cả, chúng tôi hối hận lắm”, bà Chiến nói.
Vừa ăn năn hối lỗi, bà Chiến cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự thiếu kiềm chế cũng một phần đến từ một số người làm nhiệm vụ.
“Việc cán bộ Quy tắc Đô thị tự ý phá dỡ công trình khi chưa có quyết định cưỡng chế là trái thẩm quyền. Tổ cơ động thực hiện phòng chống dịch Covid-19 của phường càng không có chức năng cưỡng chế công trình xây dựng nhưng xô ngã bức tường nhà vệ sinh vừa xây”, bà Chiến nói và mong cơ quan chức năng xem xét lại mức án một cách thấu tình đạt lý.
Luật sư Nguyễn Quốc Anh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Thông tư 02/2014/TT-BXD, thì việc một số cán bộ thực thi công vụ của quận Liên Chiểu tháo dỡ công trình xây dựng khi chưa có quyết định cưỡng chế và xử phạt là chưa đúng. Chính điều này đã dẫn đến sự bức xúc của gia đình ông Hướng nên khi xét xử cần xem xét đến nguyên nhân phạm tội để có một bản án thấu tình đạt lý, tạo điều kiện, cơ hội cho họ sửa chữa những lỗi lầm. Theo đánh giá của các luật sư, ngoài ra, mục tiêu hướng đến của pháp luật là điều chỉnh hành vi của người phạm tội. Trong vụ việc này, gia đình ông Hướng đã nhận thấy cái sai của mình nên có thái độ ăn năn hối cải, chấp hành nộp phạt. .. nên mong cấp phúc thẩm sẽ có cái nhìn nhân văn hơn, khoan hồng hơn với sự việc. |
Tác giả: Hoàng Quý
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam