Tin địa phương

Đà Nẵng vẫn rối chuyện điều chỉnh quy hoạch

Ngày 8/11, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục tổ chức hội thảo phản biện Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – giai đoạn 4. Dù đã thuê tư vấn nước ngoài điều chỉnh quy hoạch chung nhưng đề án vẫn gây nhiều tranh cãi.

Một góc trung tâm thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao Ảnh: Nguyễn Thành

Tranh cãi quanh chuyện cảng biển

Tháng 9/2018, Đà Nẵng đề xuất với Thủ tướng cho xây dựng cảng Liên Chiểu quy mô 220 hecta, tổng vốn đầu tư 32.860 tỷ đồng, tại vị trí gần như đối xứng với cảng Tiên Sa qua vịnh Đà Nẵng. Tháng 1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 có nội dung “Xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa”.

Tuy nhiên, liên danh tư vấn Sakae Corporate Advisory và Surbana Jurong (Singapore) được Đà Nẵng thuê thiết kế đề án điều chỉnh quy hoạch lại nghiêng về phương án giữ nguyên và mở rộng cảng Tiên Sa, thay vì chuyển đổi phục vụ du lịch và xây thêm cảng Liên Chiểu chuyên phục vụ vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến chuyên gia không đồng tình với phương án mở rộng cảng Tiên Sa thay cho xây dựng cảng Liên Chiểu. Phía tư vấn được cho là đã không đưa ra được nhiều dữ liệu so sánh và chứng minh vì sao không nên xây dựng cảng Liên Chiểu để phát triển logistics (hậu cần) như Nghị quyết 43 nêu.

Ông Ryoya Watanabe, chuyên gia JICA (Nhật Bản) nói rằng, việc giải phóng mặt bằng để mở rộng cảng Tiên Sa là thách thức lớn, tốn nhiều thời gian. Cảng Tiên Sa năm tới đạt 10 triệu tấn, 3 năm sau sẽ đạt công suất tối đa 12 triệu tấn/năm.

Cảng Liên Chiểu đã nằm trong qui hoạch của Chính phủ, giờ muốn mở rộng cảng Tiên Sa sẽ thay đổi qui hoạch, tốn rất nhiều thời gian, sẽ giải quyết bài toán quá tải thế nào? Hơn nữa, khu vực Tiên Sa hẹp mà theo đề xuất cảng dài 5,8km với 15 đường xe vận chuyển thì rất chật chội. Vấn đề vận hành cảng không chỉ số làn xe mà còn logistics nữa, do vậy phải rất lưu tâm qui mô của cảng.

Theo ông Nguyễn Minh Quý, chuyên gia cảng Japan Port Consultants, Đà Nẵng rồi cũng phải xây dựng cảng Liên Chiểu, nếu muốn phát triển giống Busan, Thâm Quyến hay Hong Kong. Nếu thành phố quy hoạch cho 50 năm tới mà chỉ để cảng Tiên Sa đạt công suất 1/7 đến 1/10 công suất cảng Busan hiện tại thì rất khó chấp nhận. Ông Quý nhấn mạnh, vị trí cảng Tiên Sa hiện tại có nhiều điểm yếu, mưa lớn bồi phù sa sẽ khó khai thác tối đa.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị đơn vị tư vấn của Singapore cần sớm đưa ra đề xuất chính thức về vấn đề quy hoạch cảng biển. Đề xuất hiện nay còn thiếu cơ sở, nếu vẫn giữ nguyên thì cần bổ sung dữ liệu cụ thể để tăng sức thuyết phục, độ khách quan.

Trước mắt, yêu cầu đơn vị tư vấn tập trung bổ sung những vấn đề chính, những vấn đề chuyên sâu sẽ được trình bày ở giai đoạn sau; cần khẩn trương tính toán, vì việc hình thành cảng biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả khu vực, quốc gia.

Quy hoạch cần có tầm nhìn 100 năm

Liên quan đề án điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045, ông Đặng Việt Dũng cho biết, việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của Đà Nẵng lần này có tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa quyết định cho giai đoạn phát triển mới, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh, đạt tầm cỡ khu vực theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW.

Tham gia phản biện đề án quy hoạch chung của TP Đà Nẵng do tư vấn Singapore xây dựng, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, hồ sơ của tư vấn Singapore chỉ mới nhìn đến 2045 nên còn nhiều điều chưa thỏa đáng trong khi đang chịu nhiều áp lực. Do đó, quy hoạch Đà Nẵng cần có tầm nhìn vùng và tầm nhìn xa hơn.

Theo ông Sơn, việc rất quan trọng trong quy hoạch lần này là phải xác định được trung tâm mới về kinh tế - tài chính của Đà Nẵng nằm ở đâu, ranh giới, quy hoạch như thế nào, nhưng tư vấn Singapore chưa xác định được. Tư vấn đã đưa sân bay vào quy hoạch, tuy nhiên vấn đề đô thị sân bay chưa đưa cụ thể.

Cho rằng Đà Nẵng đang ở vị thế “lãnh đạo” của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, ông Sơn bày tỏ lo lắng cho tầm nhìn vùng trong quy hoạch hạ tầng, bởi quy hoạch đưa ra hiện nay mới chỉ thảo luận trong địa bàn Đà Nẵng. “Đây không phải cách làm quy hoạch. Quốc tế không ai làm vậy. Đà Nẵng là trung tâm của kinh tế vùng thì mọi quyết định phải có sự liên kết, hợp tác với đô thị, địa phương xung quanh”, ông Sơn nói.

Ông Sơn đề xuất Đà Nẵng và Huế bỏ qua tư duy hành chính vì hai địa phương có sự tương quan và bổ sung cho nhau để liên kết thành một vùng lõi đô thị đôi. Đà Nẵng nên cùng Huế bàn thảo liên kết hình thành đô thị đôi - mô hình thành công ở nhiều nước.

Tác giả: NGUYỄN THÀNH

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP