Tin địa phương

Đà Nẵng trở lại 'đường đua'

Kỳ vọng lớn nhất của TP.Đà Nẵng là xây dựng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn không chỉ cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á, định vị các dự án ưu tiên, thu hút đầu tư mới.

Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội bứt phá.ẢNH: VĂN TIẾN

Đồ án quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á đã đưa "thành phố đáng sống" trở lại đường đua thu hút vốn đầu tư.

Cơ sở khởi động lại dự án

Theo các chuyên gia, việc Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư khởi động lại các dự án trên địa bàn và triển khai xúc tiến các dự án mới, bám theo quy hoạch. Dự kiến cuối tháng 3, TP sẽ công bố bản điều chỉnh quy hoạch này. Kỳ vọng lớn nhất của TP.Đà Nẵng là xây dựng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn không chỉ cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á, định vị các dự án ưu tiên, thu hút đầu tư mới. Với việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, TP.Đà Nẵng cũng đang kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ chế thông thoáng, giải phóng nguồn lực cũng như tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã cho phép nghiên cứu, lập đề án xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Đồng thời, đại dự án Cảng Liên Chiểu cũng đang được xúc tiến triển khai, cùng với hệ thống cảng biển tạo cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng, nhận định những yếu tố trên đang từng bước đưa Đà Nẵng trở lại vị thế hấp dẫn trong cuộc đua thu hút đầu tư giữa các địa phương.

Thống kê của Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng cho thấy trong quý 1/2021, TP cấp quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn 320 tỉ đồng; 3 dự án ở khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn 73,4 tỉ đồng, 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới với vốn đăng ký 146,4 triệu USD, 5 dự án tăng vốn thêm 9,3 triệu USD. Có 13 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với 1,65 triệu USD; lũy kế đến nay, TP.Đà Nẵng có 895 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,862 tỉ USD.

Ông Nguyễn Tiến Quang cho rằng Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn và TP cần hành động ngay, tháo gỡ những khó khăn, nhất là giải phóng nguồn lực đất đai, những vướng mắc đất đai các dự án cũ nếu vượt thẩm quyền thì đồng hành cùng doanh nghiệp kiến nghị cấp cao hơn để giải quyết. “Được hay không phải nói thẳng để trả lời cụ thể cho nhà đầu tư, không để họ mất cơ hội nơi khác. Còn với dự án mới thì rút ngắn thời gian để nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai, các sở ban ngành có đầu mối thống nhất về các điều kiện, tránh để doanh nghiệp hỏi lòng vòng nhiều nơi”, ông Quang nói.

Đại dịch đưa bất động sản về giá trị thực

Chuyên gia tư vấn đầu tư, ông Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty đầu tư công nghệ WinWin, nhận xét thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu rục rịch khởi sắc tại một số nơi. Đó là dấu hiệu của nhà đầu tư thật chứ không còn ảo như một số lo ngại. Thực tế, lâu nay Đà Nẵng mạnh về du lịch, sự hiện diện của nhà đầu tư lớn trong nước đã thay đổi đáng kể chiếc áo khoác đẹp đẽ, tinh tươm, khang trang hơn cho Đà Nẵng. Rất nhiều công trình du lịch, vui chơi giải trí tầm vóc được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, chính sự hấp dẫn của “thành phố đáng sống” này mà vài năm trước đại dịch xảy ra, thị trường bất động sản Đà Nẵng xuất hiện tình trạng phát triển nóng.

“Hơn một năm du lịch đìu hiu, trả về cho Đà Nẵng sự “tĩnh tâm” đáng có và đó chính là khoảng thời gian quý giá để nhìn lại chính mình. Các dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản tại đây đang “nhích”, lượng giao dịch trở lại tại một số điểm là nhu cầu có thật. Lý do, giá bất động sản tại đây sau hơn 1 năm xảy ra đại dịch thế giới gần như “chạm đáy” rồi. Là người gắn bó, giới thiệu, làm việc, đưa dự án đầu tư về địa phương, theo nhận xét chủ quan của tôi, giá trị bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở gần như được trả về giá trị thực của nó”, ông Đỗ Thanh Năm nói.

Dẫn thông tin Thủ tướng Chính phủ mới đây đồng ý về chủ trương để UBND TP.Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, ông Đỗ Thanh Năm nhấn mạnh, Đà Nẵng hiện đã là trung tâm du lịch, vui chơi giải trí lớn của khu vực miền Trung. Nay chiến lược xây dựng TP này trở thành trung tâm tài chính của Đông Nam Á là việc làm “trong tầm tay”, bởi các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tại Đà Nẵng đã có đủ. “Về mặt địa lý, Đà Nẵng đang có mọi lợi thế, yếu tố đủ để phát triển tầm vóc khu vực. Đó là chiến lược cấp Chính phủ, lợi thế về hạ tầng giao thông, đường hàng không, đường biển... Thế nên, sau khi đã làm việc với nhiều địa phương, tôi tư vấn nhà đầu tư chọn Đà Nẵng là vậy”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty tư vấn IME Vietnam, bổ sung việc thu hút đầu tư chững lại của Đà Nẵng trong thời gian qua một phần do “lịch sử” để lại. Đó là những vụ án liên quan đất đai tại đây, việc cấp phép cho các dự án mới có phần “chùn tay”. Đã có không ít nhà đầu tư đến đây nản lòng vì thủ tục quá chậm. Nhưng với những tín hiệu tốt từ cấp thượng tầng, chắc rằng thu hút đầu tư dài hạn của Đà Nẵng sẽ tăng tốc tốt.

Tác giả: Văn Tiến-Nguyên Nga

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP