Ưu đãi lớn khi đầu tư vào Khu CNC
Với định hướng phát triển Khu CNC Đà Nẵng đến năm 2030 được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt với mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD. Đến năm 2030, phát triển Khu CNC Đà Nẵng đồng bộ với các Khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP.HCM, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, thành phố đang kêu gọi đầu tư các dự án vào Khu CNC Đà Nẵng. Đây là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia và là khu công nghệ cao duy nhất ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, có diện tích hơn 1.128ha. Hiện có 27 nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư 890 triệu USD vào Khu CNC.
Đáng chú ý, thành phố đang ưu tiên kêu gọi đầu tư vào Khu CNC trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin và truyền thông; tự động hóa; công nghệ vật liệu mới; công nghệ môi trường; công nghệ sinh học; vi điện tử…
Dự án chế tạo, sản xuất linh kiện hàng không, vũ trụ của Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC) của Hoa Kỳ, với vốn đầu tư 170 triệu USD. Ảnh: Thành Vân. |
"Cơ sở hạ tầng Khu CNC đã hoàn thiện cũng như các dịch vụ, tiện ích đầy đủ, giá cả hợp lý, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất, nghiên cứu, đào tạo nhà đầu tư. Đáng chú ý, khi đầu tư vào Khu CNC, nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu.
Nổi trội như được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (10% trong vòng 15 năm, đối với các dự án lớn trên 130 triệu USD là 10% trong vòng 30 năm). Đặc biệt, từng dự án cụ thể, nhà đầu tư sẽ được miễn tiền thuê đất tại đây", bà Trâm cho hay.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, bà Trâm cho biết, đây là một trong những thế mạnh của Đà Nẵng. Bên cạnh các cơ sở hạ tầng hiện có cho các doanh nghiệp IT như: Khu công viên phần mềm và Khu công nghệ thông tin tập trung, FPT Complex, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Khu công viên phần mềm số 2 và kêu gọi đầu tư Khu không gian đổi mới sáng tạo.
"Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng tốt và lực lượng lao động hơn 44.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực ICT. Với 38 cơ sở đào tạo, khoảng 5.700 sinh viên tốt nghiệp hằng năm sẽ đáp ứng việc làm trực tiếp về công nghệ thông tin, công nghệ số cho doanh nghiệp", bà Trâm nói.
Khu CNC Đà Nẵng có diện tích hơn 1.128ha. Ảnh: Thành Vân. |
Nhiều dự án lớn chờ nhà đầu tư
Bà Trâm cho biết, thành phố đang trung kêu gọi đầu tư một số dự án lớn, trọng điểm. Đáng chú ý là dự án Cảng Liên Chiểu, đây là một trong ba cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt gồm các khu chức năng: Khu bên container với quy mô 8 bến tiếp nhận được tàu từ 8.000 TEUS đến 18.000 TEUS trong dài hạn; khu bến tổng hợp tiếp nhận các tàu đến 100.000 DWT; khu bến hàng lỏng, khí; khu kho bãi…
"Hiện thành phố đang đầu tư bờ kè và đê chắn sóng. Trong năm đến, giai đoạn khởi động với tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng sẽ được kêu gọi đầu tư bằng vốn tư nhân. Sau đó, các hợp phần còn lại sẽ được triển khai kêu gọi đầu tư, hoàn thiện", bà Trâm thông tin.
Tiếp theo là dự án Trung tâm tài chính quốc tế được quy hoạch tại khu đất đắt địa nhất thành phố. Mô hình Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng được phát triển theo hướng là một trung tâm tài chính hải ngoại (offshore), trung tâm công nghệ tài chính (fintech) và cung cấp các dịch vụ phụ trợ hỗ trợ cho hoạt động của trung tâm tài chính.
Hiện thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực. Dự kiến sau năm 2027 sẽ hoạt động.
Về lĩnh vực y tế, bà Trâm cho biết, Đà Nẵng hiện có 28 bệnh viên công và bệnh viện tư nhân đang hoạt động với gần 9.300 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh khoảng 140% để phục vụ cho 1,2 triệu người dân của thành phố, 5.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc. Đồng thời, nhu cầu khám chữa bệnh tập trung từ các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên ngày một tăng. Do đó, thành phố đã chuẩn bị sẵn quỹ đất để kêu gọi các dự án Bệnh viện quốc tế, Viện dưỡng lão.
Ngoài ra, Đà Nẵng hiện cũng đang triển khai các thủ tục để kêu gọi đầu tư 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 1.000ha và cung cấp địa điểm cho nhà đầu tư tương lai sản xuất kinh doanh tại thành phố trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, thành phố định hướng phát triển và thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực.
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Theo đó, Đà Nẵng tập trung phát triển 3 trụ cột chính Du lịch, Công nghiệp công nghệ cao và Kinh tế biển.
Theo ông Chinh, TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan toả, kết nối chặt chẽ, hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Cùng với đó, tập trung các lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao, R&D, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, tài chính, giáo dục, thể dục - thể thao…
Tác giả: Thành Vân
Nguồn tin: nhadautu.vn