Ngày 8/6, Bảo tàng Đà Nẵng (Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng) cho biết: Vào lúc 14h30 ngày 15/6, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (số 155 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu, Đà Nẵng) sẽ diễn ra lễ tôn vinh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại thành phố Đà Nẵng.
Buổi lễ nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản văn hoá phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam ở Đà Nẵng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa nhân loại; đồng thời khuyến khích, động viên tinh thần của những người nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian đã và đang có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Trong khuôn khổ của chương trình, ngoài những hoạt động chính của Lễ tôn vinh, còn có phần công bố quyết định và trao bằng khen của Bộ VHTTDL, UBND TP Đà Nẵng và Giấy khen của Giám đốc Sở VH&TT cho các nghệ nhân Bài chòi tiêu biểu có cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng. Cuối chương trình là phần trình diễn ca Bài chòi do các nghệ nhân đến từ Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên thực hiện.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng, có sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Ảnh: Đức Hoàng |
Nghệ thuật Bài chòi là trò chơi, trò diễn xướng dân gian độc đáo đậm chất văn hóa nông nghiệp ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng.
Bài chòi ra đời đầu tiên là để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí nhưng càng về sau, nhu cầu thẩm mỹ, nhu cầu văn nghệ phát triển, người ta đã lồng ghép các làn điệu dân ca vào trò chơi. Qua đó cho thấy, nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng, có sự kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật Bài chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân duyên hải miền Trung trong những dịp sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Nghệ thuật Bài Chòi là di sản có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền qua các thế hệ.
Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 07/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là niềm vinh dự lớn lao không chỉ riêng của những địa phương mang trong mình Di sản này mà còn là niềm vui chung của cả dân tộc Việt Nam.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Tổ quốc