Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị kiểm tra, thống nhất về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung (giai đoạn 1), để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 10-10 tới.
Đã tính toán cụ thể
Dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng. Cảng Liên Chiểu là dự án nhóm A thuộc công trình giao thông, lĩnh vực hàng hải, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng làm chủ quản dự án. Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng nêu rõ từng chi tiết. Cụ thể, phần cơ sở hạ tầng dùng chung cho 2 bến có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 2.995 tỉ đồng; chi phí thiết bị 23,3 tỉ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 8,1 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án 19,9 tỉ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 60,8 tỉ đồng; chi phí khác 156 tỉ đồng; chi phí dự phòng 163,2 tỉ đồng.
Cảng Tiên Sa đã sử dụng hết công suất nên TP Đà Nẵng xác định việc xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách |
Giai đoạn 1 gồm các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối (điện, nước, thông tin liên lạc)… bảo đảm lượng hàng thông qua từ 3,5-5 triệu tấn/năm. Các hạng mục công trình còn lại phục vụ khai thác bến cảng như bến cập tàu, kè gầm bến, đường bãi trong cảng, kho, nhà xưởng, mạng kỹ thuật và thiết bị khai thác trên bến… được đầu tư theo hình thức kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương ứng theo từng giai đoạn phát triển. Dự kiến thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án là năm 2018-2019, triển khai thi công và đưa vào khai thác là năm 2020-2022.
UBND TP Đà Nẵng cũng đưa ra dự kiến nguồn vốn đầu tư một cách cụ thể. Đối với nguồn ngân sách trung ương là 2.993,3 tỉ đồng, tương đương 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư dự án. Trong đó, bao gồm nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018, nguồn 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của cả nước, nguồn tăng thu ngân sách trung ương, nguồn kết dư ngân sách trung ương, nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương. Đối với ngân sách Bộ GTVT là nguồn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của bộ. Nguồn ngân sách địa phương cho dự án là 433 tỉ đồng, tương đương 12,6% tổng nguồn vốn đầu tư dự án. Cụ thể gồm: nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu đối với TP Đà Nẵng; dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 TP Đà Nẵng; dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025.
"Để sớm triển khai thực hiện dự án và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, thống nhất nội dung báo cáo của Đà Nẵng. Đồng thời, đề xuất giao UBND TP Đà Nẵng là cơ quan chủ quản dự án này" - ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nói.
Làm nhanh vì cảng Đà Nẵng đã dần quá tải
Chính quyền Đà Nẵng cho rằng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án thông qua sớm thì việc đưa vào khai thác càng sớm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cảng Đà Nẵng thoát khỏi cảnh quá tải sau năm 2020 - vốn đang tác động xấu đến đời sống của người dân.
Bằng chứng là trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ: "Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của miền Trung, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng (cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm 2 khu bến chính là Tiên Sa và Sơn Trà). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng là 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container) và dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. "Năm 2018, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng ước đạt 8,4 triệu tấn, vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà sau năm 2020. Bên cạnh đó, sản lượng hàng qua cảng cũng vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân" - ông Thơ nhận định.
Từ thực trạng trên, lãnh đạo TP Đà Nẵng xác định phải khẩn trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu nhằm chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. "Đặc biệt, việc sớm xây dựng cảng Liên Chiểu cũng nhằm phục vụ mục tiêu đẩy mạnh và tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ" - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cửa ngõ quốc tế Theo quy hoạch do UBND TP Đà Nẵng đề xuất thì cảng Liên Chiểu là cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung. Đây là cảng biển thứ hai tại Việt Nam sau cảng Lạch Huyện, TP Hải Phòng được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế. Cảng Liên Chiểu gồm 5 phân khu chức năng. Trong đó, khu bến tổng hợp được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT; khu bến container được quy hoạch tiếp nhận cỡ tàu 80.000 đến 100.000 DWT (sức chở 5.000- 8.000 TEU); khu cảng hàng lỏng (xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu như LPG, nhựa đường…) đón được tàu trọng tải đến 10.000 DWT; khu bến thủy nội địa đáp ứng cho tàu từ 1.000 đến 5.000 DWT chạy theo tuyến đường thủy nội địa ven biển và khu dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần sau cảng.
|
Tác giả: BÍCH VÂN
Nguồn tin: Báo Người lao động