Tin địa phương

Đà Nẵng: Thành phố của những cây cầu

Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp, con người thân thiện, mến khách mà còn được biết đến là thành phố của những cây cầu. Những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho Đà Nẵng.

Song hành với sự phát triển của TP Đà Nẵng là những cây cầu lần lượt ra đời với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, kết nối giao thương. Không những thế, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn, những chiếc cầu trở nên rực rỡ hơn dưới ánh đèn màu. Những cây cầu cũng là điểm sáng thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng. Nhờ vậy, Đà Nẵng luôn được bạn bè quốc tế cũng như người dân cả nước đặt cho cái tên ưu ái là “Thành phố của những cây cầu”.

Cầu sông Hàn – Cây cầu quay độc nhất vô nhị

Cầu sông Hàn hay còn được gọi là cầu quay sông Hàn, là cây cầu cực kì đặc biệt Khởi công vào ngày 2/9/1998, sau 5 năm xây dựng, Cầu sông Hàn khánh thành vào ngày 29/3/2003 nhân kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng.

Cầu Sông Hàn quay về đêm. Ảnh: Khánh Quang.

Cầu dài 487,7m và rộng 12,9m, nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn và đường Phạm Văn Đồng. Cây cầu này là thành quả sáng tạo của các kỹ sư Việt Nam, cùng với công sức và tiền bạc của người dân Đà Nẵng. Điểm độc đáo của cây cầu chính là có thể quay một gốc 90 độ vào đêm khuya để tàu thuyền lưu thông. Hiện nay, khi du lịch đang trên đà phát triển, vào tối thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần vào lúc 0h cầu sẽ quay để phục vụ du khách

Cầu Rồng – Điểm nhấn nét đẹp hiện đại

Được khánh thành vào ngày 29/3/2013, sau 6 năm đưa vào hoạt động, cầu Rồng là nơi hút khách du lịch bởi vẻ đẹp mạnh mẽ, ấn tượng. Cây cầu được xây dựng với hình tượng con Rồng vàng đã thu hút sự quan tâm cả trong và ngoài nước, với 2.500 đèn led được gắn và tạo hiệu ứng ánh sáng thay đổi lien tục vô cùng đẹp mắt.

Cầu Rồng. Ảnh: Khánh Quang.

Hình tượng Rồng vàng còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự phát triển ngày càng vươn xa, bay cao của TP Đà Nẵng. Để tạo thêm điểm nhấn cho chiếc cầu độc đáo này, 9h tối thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, cầu có tiết mục phun lửa và nước thu hút nhiều du khách hiếu kì đến xem.

Chị Đỗ Thị Hòa Chính (Du khách ở Hà Nội): “Gia đình tôi hầu như năm nào cũng đi du lịch tại Đà Nẵng. Ngoài việc được đi tham quan nhiều điểm du lịch hấp dẫn, được thưởng thức nhiều món ăn ngon, thì còn được chiêm ngưỡng những cây cầu hiện đại của thành phố, đặc biệt về đêm những cây cầu càng tăng thêm nét đẹp diễm lễ, hoành tráng. Trong đó tôi rất thích cầu Rồng vì tính nghệ thuật độc đáo của nó”.

Cầu Trần Thị Lý – Cánh buồm vươn ra biển lớn

Đây không hẳn là cây cầu mới mà thực ra nó được xây dựng ngay trên cây cầu đường sắt De Lattre de Tassigny do Mỹ xây dựng vào năm 1950, cây cầu đường bộ đầu tiên và cũng là duy nhất lúc đó sử dụng cho các phương tiện xe đạp, xa máy. Cầu được làm mới và khánh thành vào ngày 29/3/2013 với chiều dài 731m, rộng 34,5m được mang tên nữ anh hùng Trần Thị Lý. Cầu được làm theo hình tượng cánh buồm với ý nghĩa muốn đón gió lớn vươn ra khắp năm châu, bốn bể, khẳng định được vị thế của Đà Nẵng trên trường quốc tế.

Cầu Trần Thị Lý đẹp lung linh dưới màn pháo hoa. Ảnh: Khánh Quang.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi – Chứng tích lịch sử

Nằm cạnh cầu Trần Thị Lý, cầu được lấy tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi để tưởng nhớ người thực hiện cuộc đánh bom nhằm mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964. Cầu gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500m, khổ cầu 10,5m, không có lề dành cho người đi bộ, từng được sửa chữa năm 1978 và 1996.

Cầu Nguyễn Văn Trỗi là điểm đến tham quan của nhiều người. Ảnh: Khánh Quang.

Đây cũng là cây cầu có tuổi thọ cao nhất trong 6 cây cầu bắc qua sông Hàn. Cầu hiện không phục vụ giao thông đi lại mà chỉ là địa điểm du lịch. Hằng đêm, cầu thu hút nhiều bạn trẻ, du khách đến dạo bộ, hóng mát và chụp ảnh.

Cầu Thuận Phước – Cầu dây võng dài nhất Việt Nam

Nằm ở phía Tây sông Hàn, với chiều dài 1.856m, rộng 18m và cao 92m, Thuận Phước là cầu dây võng dài nhất Việt Nam được khánh thành vào ngày 17/9/2009.

Cầu Thuận Phước. Ảnh: Khánh Quang.

Cây cầu nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn đổ ra biển tại cửa vịnh Đà Nẵng, nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa, tạo thành hệ thống tuyến giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Cây cầu mang vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng, hiện đại, tinh tế nổi bật với những ánh đèn lung linh giữa vùng sông nước bao la.

Cầu Tiên Sơn – Góp phần thay đổi diện mạo thành phố bên sông Hàn

Cầu Tiên Sơn được khởi công tháng 2/2002 và khánh thành vào ngày 19/2/2004. Cầu dài hơn 529m, rộng hơn 25m, nối giao lộ Ngũ Hành Sơn - Hồ Xuân Hương (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đến giao lộ đường 2/9 - Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đối với người Đà Nẵng đây là cây cầu có ý nghĩa nhất, đây là cây cầu mở đường để thành phố thủ phủ của miền Trung vươn mình phát triển, hội nhập.

Cầu Tiên Sơn. Ảnh: Khánh Quang.

Ông Trần Dân – Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng: “Đà Nẵng quá xứng đáng khi được mệnh danh là “Thành phố của những cây cầu”. Bởi lẽ, Đà Nẵng chiều dài Bắc – Nam khoảng 20 km tính từ cửa sông Hàn lên đến thượng lưu, nhưng có đến 9 cây cầu (6 cây cầu bắc qua sông Hàn gồm cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn; 3 cây cầu bắc qua sông Cẩm Lệ gồm cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu Cẩm Lệ - P.V). Đặc biệt, không cây cầu nào giống nhau, mà mỗi cây cầu đều mang một nét riêng. Vì thế, có thể nói Đà Nẵng là một trong những thành phố đặc biệt của Việt Nam. Những cây cầu này phục vụ nhu cầu vận tải, đi lại của người dân hai bờ sông Hàn, vừa điểm tô cho thành phố về đêm. Không những thế, cầu Sông Hàn, cầu Rồng còn trở thành những địa điểm phục vụ du lịch quả là điều tuyệt vời.

Tuy nhiên hiện nay, Đà Nẵng vẫn còn thiếu một cây cầu nữa, đó là cây cầu ở hạ lưu nằm giữa khoảng cách cầu Thuận Phước và cầu Sông Hàn. Tôi nghĩ sớm hay muộn thì người ta cũng phải làm cây cầu đó”.

Tác giả: HẠNH NHUNG – KHÁNH QUANG

Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP