Trong đó, đáng ngại nhất là việc sử dụng loa kẹo kéo với âm lượng lớn vừa hát vừa bán hàng tại các điểm công cộng, khu du lịch, tuyến đường kinh doanh ăn uống
Trước tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành cùng phối hợp triển khai nhiều biện pháp kịp thời chấn chỉnh.
Theo đó, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở VH&TT, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị quản lý khu du lịch, điểm du lịch, các đơn vị lữ hành, các đơn vị tổ chức lễ hội tuyên truyền cho người dân, du khách không cho tiền, quà người lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng. Phối hợp phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đeo bám, chèo kéo khách và xin ăn.
Sở LĐ-TB&XH TP chỉ đạo Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) tổ chức ra quân tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra, tập trung xử lý những người lang thang xin ăn, tâm thần lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Công an các địa phương phối hợp tăng cường công tác tuần tra, xử lý tình trạng bán hàng rong kết hợp dùng loa với âm lượng lớn tại các cơ sở kinh doanh ăn uống. Phối hợp điều tra, xử lý nghiêm đối với người có hành vi chăn dắt, dụ dỗ, lôi kéo người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách.
Các quận, huyện hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, từ thiện, nhà hảo tâm phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức đưa quà đến xã, phường hoặc đến tận gia đình trao tặng, tránh tình trạng tập trung đông đối tượng để tặng quà tại các chùa làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị của TP. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra các tuyến đường kinh doanh ăn uống, các khu vực trọng điểm, phối hợp với các ngành chức năng và Tổ 550 để kịp thời xử lý các đối tượng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách thuộc địa bàn quản lý...
Tác giả: T.AN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM