Sử dụng các loại túi tái chế nhiều lần như “túi tự phân hủy sinh học” |
Trong thời gian diễn từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2017, Phòng TN – MT quận Thanh Khê đã xuống các chợ để tuyên truyền, phổ biến đến người dân, bà con tiểu thương và khách hàng đi chợ những tác hại đối với sức khỏe và môi trường của túi nylon mà hàng ngày mọi người vẫn đang sử dụng.
Hoạt động này nhằm giảm thiểu thói quen sử dụng bao nylon để chứa đựng hàng hóa, thực phẩm khi đi mua bán ở chợ chuyển sang sử dụng các loại túi tái chế nhiều lần như “túi tự phân hủy sinh học “, túi giấy, túi vải… để làm giảm đi khối lượng chất thải rắn được thải ra môi trường tự nhiên.
Túi nylon được làm từ sợi nhựa tổng hợp bền dẻo với nhiều kích cỡ khác nhau, có thể tái chế được. Tuy nhiên, nó cũng là vật liệu gây ra ô nhiễm môi trường. Chất nhựa độc hại của bao bì nilon ngấm vào đất, nguồn nước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ con người và các loài sinh vật khác (các loài động thực vật ở các sông suối, ao hồ…)
Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, việc sản xuất túi nylon đem lại lợi nhuận và là công việc sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên chính vì sự tác hại của nó với môi trường xã hội, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp khung thuế bảo vệ môi trường cho mặt hàng sản xuất này.
Một số nước còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon mỏng như Trung Quốc cấm túi nilon có độ dày dưới 0,025 mm.
Tại Việt Nam, sau khoảng 5 năm áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon, cho đến nay, nhiều hệ thống siêu thị, như Saigon Co.op, Big C, Lotte… đã dần chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường để đựng hàng cho khách. Tuy nhiên, tính lan tỏa còn thấp, gần như 100% các chợ truyền thống vẫn chưa sử dụng túi tự phân hủy.
Tác giả: Hồng Sơn
Nguồn tin: Moitruong.net.vn