Kinh tế

Đà Nẵng nỗ lực thu hút đầu tư

Năm 2020, do nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên kinh tế của Đà Nẵng tăng trưởng âm. Thành phố đang từng bước điều chỉnh, ban hành các chủ trương, chính sách tích cực, tập trung tháo gỡ vướng mắc, từ đó đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho đà phục hồi kinh tế, góp phần phát triển xã hội bền vững, an toàn.

Một góc TP Đà Nẵng.

Tạo động lực mới cho phát triển

Sau thời kỳ phát triển nóng, ngay từ đầu năm 2016, Thành ủy Ðà Nẵng đã đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, Ðà Nẵng đã thu hút được 163 dự án trong nước vào các lĩnh vực như bất động sản du lịch, giáo dục, y tế và công nghiệp chế biến, chế tạo... với tổng vốn đăng ký đầu tư 76.140 tỷ đồng. Trong đó, cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 53 dự án đầu tư nằm ngoài khu công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN) với tổng vốn đầu tư 68.790 tỷ đồng. So với giai đoạn 2011 - 2015, số dự án giảm 59, nhưng tổng vốn đầu tư tăng hơn 43.270 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Ðà Nẵng thu hút 704 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 147.551 tỷ đồng. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ÐTNN), 5 năm qua, thành phố có 530 dự án cấp mới, tổng nguồn vốn hơn một tỷ USD; 60 dự án tăng vốn với 144,5 triệu USD; 605 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với 21,8 triệu USD. Dự án ÐTNN chủ yếu tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao... theo đúng định hướng kêu gọi đầu tư của thành phố. Ðến nay, Ðà Nẵng có 876 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 5,521 tỷ USD. Các quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào thành phố hiện nay là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Giai đoạn 2016 - 2019, khu vực đầu tư ngoài nhà nước và ÐTNN có sự gia tăng liên tục mức đóng góp vào ngân sách qua các năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 95.255 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 931 nghìn lao động. Trong đó, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 19.150 tỷ đồng (20,2%), ÐTNN đóng góp 18.048 tỷ đồng (18,95%), đóng góp bình quân hơn 9% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế, góp phần quan trọng giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: Các dự án đầu tư trong nước và ÐTNN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chiếm 53,07% tổng giá trị xuất khẩu của toàn thành phố, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu từ thủy sản, giày dép, may mặc… chuyển sang hàng công nghiệp điện tử và công nghệ cao. Nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cũng góp phần gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, tạo ra một số ngành quan trọng để sản xuất các sản phẩm mới như: điện tử, mô-tơ điện, xe máy, phụ tùng ô-tô... Hầu hết dự án đầu tư mới có công nghệ tiên tiến; mô hình quản trị và phương thức kinh doanh hiện đại…

TS Trần Ðình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Giai đoạn 2016 - 2020 được đánh dấu là cột mốc đối với TP Ðà Nẵng khi đăng cai tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017. Ðây là sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc tế, đánh dấu một bước tiến mới của thành phố trong việc quảng bá hình ảnh đến với thế giới. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện lớn về diễn đàn đầu tư, Tọa đàm mùa xuân, gặp gỡ doanh nghiệp, ban hành đề án và nhiều chính sách nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Ba năm liên tiếp Thành ủy Ðà Nẵng chọn chủ đề "Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư" nhằm tăng cường công tác xúc tiến và thu hút đầu tư vào thành phố. Những hoạt động và chỉ đạo trên cho thấy có sự quan tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2018, kinh tế Ðà Nẵng có dấu hiệu suy giảm, chưa kịp phục hồi, lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh, bão lũ dồn dập và việc nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị kỷ luật, xét xử, truy tố… đã tác động rất lớn đến quá trình phát triển của Ðà Nẵng. Cùng chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Ðà Nẵng Phạm Bắc Bình phân tích: Thực tế cho thấy việc thu hút đầu tư trong ba năm gần đây chưa mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng. Yếu tố ảnh hưởng hàng đầu vẫn là dịch Covid-19, khiến các hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư, quảng bá giới thiệu, ký kết hợp tác... phải trì hoãn hoặc hủy bỏ. Việc nhập cảnh của các chuyên gia, nhà đầu tư khó khăn, kéo dài thời gian vì cách ly, kiểm tra y tế khiến việc kết nối, hợp tác hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tâm lý lo sợ, doanh nghiệp thì dè chừng, dẫn đến vướng mắc không được tháo gỡ, giải quyết, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án và tâm lý nhà đầu tư. Nếu không sớm giải quyết, tháo gỡ về cơ chế, tâm lý, Ðà Nẵng khó có thể khôi phục nhanh và lấy lại đà tăng trưởng như Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 22 đề ra.

Xây dựng những giải pháp hiệu quả

Ðể Ðà Nẵng thật sự là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Ðà Nẵng Phạm Trường Sơn cho rằng: Ðể có cơ sở thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ cần tạo điều kiện, cho phép thành phố thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó địa phương được chủ động ban hành các chính sách ưu đãi phù hợp nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. TP Ðà Nẵng cần xây dựng định hướng, tiêu chí thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư gắn với xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường. Ðồng thời phối hợp các địa phương lân cận để ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển, hạn chế đầu tư vào các ngành gia công, các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Hiệp hội các doanh nghiệp, doanh nhân cần xây dựng chương trình liên kết, hợp tác trong nước và nước ngoài để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tổng Giám Công ty TNHH Daiwa Việt Nam I-kê-đa Na-oa-xư (Nhật Bản) chia sẻ, hơn 15 năm trước, khi lần đầu đến Ðà Nẵng, đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của thành phố trong lĩnh vực công nghiệp và du lịch. Ðà Nẵng có lợi thế về nguồn lực con người, về giao thông, môi trường, tuy nhiên, còn thiếu sự gắn kết với những tỉnh lân cận, dẫn đến dễ xảy ra cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chúng tôi hy vọng Ðà Nẵng tiếp tục xem xét và có chính sách thích hợp, hiệu quả để cùng các địa phương khác phát triển hài hòa. Trong khi đó, ông Li Xung-ni-ung, Tổng Giám đốc Công ty Kotra Ðà Nẵng nhấn mạnh: Từ góc độ đầu tư, sức ép doanh nghiệp nước ngoài đang đối mặt khi dịch Covid-19 bùng phát không chỉ là đóng cửa biên giới, thiếu hụt nguồn cung - cầu nguyên liệu, linh kiện. Do đó, khi kiểm soát tốt dịch bệnh, hình ảnh về một "đất nước ổn định" sẽ mang lại cơ hội lớn thu hút đầu tư thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt khu vực miền trung, trong đó Ðà Nẵng sẽ là địa bàn trọng điểm. Vấn đề là Ðà Nẵng cần sớm áp dụng phương thức thu hút đầu tư hiệu quả hơn, không tiếp xúc, chăm sóc sau đầu tư, cải thiện thời gian xử lý thủ tục, nhất là lĩnh vực đất đai, môi trường. Nếu bảo đảm được những điều này, Ðà Nẵng chắc chắn trở thành trung tâm thu hút đầu tư, trở thành động lực phát triển cho không chỉ miền trung mà cho cả Việt Nam.

Ðể thực hiện tốt mục tiêu xây dựng TP Ðà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Ðông - Nam Á, Thành ủy Ðà Nẵng tiếp tục xác định thu hút đầu tư là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Ðể làm được điều đó, Ðà Nẵng đề ra sáu nhóm sáu giải pháp, gồm: các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cao nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư. Bí thư Thành ủy Ðà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, công cuộc phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới đòi hỏi rất nhiều công sức, nỗ lực của tất cả các thành phần kinh tế. Thách thức luôn đi kèm cơ hội, sự kiểm soát tốt dịch bệnh của Ðà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã giúp thành phố thành điểm sáng trên bản đồ đầu tư trong bối cảnh các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu chuyển dịch, đa dạng dòng vốn đầu tư đến những địa điểm an toàn hơn. Vì vậy, Ðà Nẵng cần sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, nhất là sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành Trung ương để tạo nên bước đột phá trong thu hút đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030, Ðà Nẵng phải là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, là thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống. Có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tác giả: THANH TÙNG

Nguồn tin: Báo Nhân dân

  Từ khóa: thu hút đầu tư , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP