Ngày 27/11, trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, cho biết lãnh đạo thành phố đã thống nhất và đang đàm phán mua lại bến du thuyền từ công ty của ông Phan Văn Anh Vũ.
Sau khi mua bến du thuyền nằm ven sông Hàn, thành phố không kinh doanh mà cải tạo cho phù hợp với cảnh quan kiến trúc, sau đó có thể là nơi làm việc của Ban quản lý di tích lịch sử Thành Điện Hải, Trung tâm thông tin du lịch... "Nói chung bến du thuyền sẽ chỉ phục vụ cho mục đích công cộng", ông Nghĩa nói.
Bến du thuyền của ông Phan Văn Anh Vũ nằm ven sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin dự án Công viên Đại Dương ven biển Đà Nẵng, sát chân núi Sơn Trà đã được phê duyệt và sắp triển khai. Ông Nghĩa khẳng định đây là dự án lớn, thành phố chưa có quyết định cuối cùng về thời gian thực hiện.
Theo Bí thư Đà Nẵng, dù đã hoàn thành một số thủ tục, nhưng dự án "có được triển khai hay không" thì phải chờ các hội thảo, lấy ý kiến nhà khoa học về mức độ tác động của công viên này đến biển và biến đổi khí hậu. "Nếu có ảnh hưởng lớn thì sẽ phải dừng", ông Nghĩa nói.
Trước thắc mắc của cử tri về việc chậm công bố kết luận thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Trà và dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước, ông Nghĩa thông tin thứ năm (29/11), Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết quả thanh tra Sơn Trà. Riêng dự án Đa Phước, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư phải tăng không gian công cộng, giảm mật độ nhà chung cư, nhà chia lô.
Bến du thuyền do Công ty TNHH I.V.C của ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "Nhôm") đầu tư xây dựng, nằm ven sông Hàn, đối diện tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng (quận Hải Châu). Công trình được cấp phép và xây dựng dưới thời ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và hoàn thành vào năm 2017. Khi ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt, bến dừng hoạt động.
Với quy mô 0,4 hecta, trong đó diện tích mặt đất là 2.100 m2, mặt nước là 1.900 m2, công trình có ba tầng, thiết kế nhiều tiểu cảnh cây xanh. Một số ý kiến cho rằng, bến du thuyền án ngữ di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt - thành Điện Hải, nên cần đập bỏ. Lãnh đạo thành phố sau đó chốt phương án giữ lại và khái toán 100 tỷ đồng cho việc thu hồi.
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress