Tin địa phương

Đà Nẵng lần đầu áp dụng phương pháp Ozaki trong phẫu thuật tim mạch

Ngày 13.2, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết một bệnh nhân hở van động mạch chủ mức độ nặng đã được các bác sĩ phẫu thuật thành công bằng phương pháp Ozaki.

phẫu thuật

Bệnh viện Đà Nẵng lần đầu tiên áp dụng phương pháp Ozaki trong phẫu thuật tạo hình van động mạch chủ, cứu sống bệnh nhân.ẢNH: AN QUÂN

Trước đó 1 tuần, bệnh nhân T.B (46 tuổi, Đà Nẵng) nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, do hở van động mạch chủ mức độ nặng. Nguyên nhân được xác định là do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng gây tổn thương tim, cụ thể là van tim, dù trước đó bệnh nhân không có tiền sử tim mạch.

Sau khi được điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân được chỉ đình phẫu thuật tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim tự thân, thay cho van tim cơ học hoặc van sinh học vẫn thường được chỉ định.

Phương pháp Ozaki phẫu thuật tạo hình van động mạch chủ bằng màng tim tự thân lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng đã thành công ngoài mong đợi.

Với phương pháp này, các bác sĩ đã tận dụng màng ngoài tim để sữa chữa các “lỗi”, “sự cố” van tim, cụ thể ở đây là tái tạo van động mạch chủ bị hỏng. Đây là kỹ thuật khó đòi hỏi kỹ năng phẫu thuật tối ưu của các y bác sĩ, các phẫu thuật viên… cùng trang thiết bị tiêu chuẩn “Ozaki” của Nhật Bản.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng), cho biết đây là lần đầu tiên phẫu thuật Ozaki được thực hiện tại Đà Nẵng. Ưu điểm của phẫu thuật này so với thay van động mạch chủ thông thường là người bệnh không cần phải sử dụng thuốc chống đông thường xuyên sau phẫu thuật và có thể sinh hoạt, làm việc giống như người bình thường. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh được những bất tiện thậm chí nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc chống đông máu như mất máu, thiếu máu gây ra…

Cũng theo bác sĩ Hải, những ưu điểm khác khi áp dụng phương pháp Ozaki khiến cho phương pháp này được giới y khoa khu vực và thế giới chọn áp dụng là tính ưu việt trong phương pháp, giúp bệnh nhân có sự phục hồi nhanh, do độ dung nạp của cơ thể tốt hơn vật ngoại lai, giảm nguy cơ nhiễm trùng van sau mổ.

"Phẫu thuật tạo hình van động mạch chủ thành công bằng phương pháp Ozaki đã góp phần nâng tầm vị trí của Bệnh viện Đà Nẵng trên "bản đồ" phẫu thuật và can thiệp tim mạch, giúp mang lại cơ hội sống, sống chất lượng hơn cho bệnh nhân khu vực miền Trung", bác sĩ Hải khẳng định.

Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện, ổn định sinh hoạt. Cụ thể đánh giá siêu âm van tim kín trở lại, giải quyết được các biến chứng do hở van trước đó gây ra… Đặc biệt, chỉ số huyết động gần giống với van tự nhiên của người bệnh khi đo chân áp qua van.

Kỹ thuật phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng phương pháp Ozaki thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam là ở Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E, Hà Nội). Phương pháp phẫu thuật Ozaki được phát minh bởi giáo sư Shigeyuki Ozaki, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Đại học Toho, Tokyo, Nhật Bản), chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân.

Đây là phương pháp đang được giới y khoa ở các nước phát triển đánh giá rất cao, áp dụng trong điều trị các bệnh lý tim mạch, trong đó có van động mạch chủ, với những trường hợp là trẻ em…

Tác giả: An Dy

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: phẫu thuật tim , Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP