|
Theo đó, kể từ ngày 1-1-2019, các tàu khách đang hoạt động, có sức chở dưới 50 khách, đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa theo quy định và đã lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động (AIS) phải chấm dứt hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến cầu sông Hàn – cầu Trần Thị Lý và chỉ được hoạt động trên 7 tuyến sông còn lại. Tuyến cầu sông Hàn – cầu Trần Thị Lý là tuyến chính của các tàu du lịch lâu nay vì đi qua các điểm chính như cầu cửa sông Thuận Phước, cầu xoay sông Hàn, cầu Rồng phun lửa và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi nằm ngay cạnh cầu Trần Thị Lý.
Theo thông tin cập nhật từ phòng Quản lý lữ hành, hiện nay có khoảng gần 30 tàu du lịch được phép đóng mới để khai thác tuyến sông Hàn-cầu Trần Thị Lý bên cạnh các tuyến sông khác vào đầu năm sau. Trong khi đó, hiện nay có 20 tàu có đủ điều kiện hoạt động trên tuyến này. Trước đó, đầu tháng 9-2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký công văn đưa ra quy trình kiểm soát hoạt động phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông Hàn-cửa biển- bán đảo Sơn Trà và sông Hàn-hòn Chảo.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ kêu gọi đầu tư hơn 20 dự án dịch vụ vận tải và bến thủy nội địa nhằm khai thác hết tiềm năng của 8 tuyến đường thủy nội địa này. Bến du thuyền tại khu vực cảng sông Hàn, cầu tàu tại khu vực cạnh chân cầu phía Bắc cầu Nam Ô (sông Cu Đê) và bến du lịch bán đảo Sơn Trà là những dự án cần đầu tư ngay.
Trong năm 2017, thành phố Đà Nẵng đã đón khoảng 6,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, chỉ có khoảng gần 300.000 khách sử dụng dịch vụ đường sông. Với việc quy hoạch lại dịch vụ du lịch thủy nội địa, thành phố hy vọng thu hút nhiều khách đến với mảng du lịch đầy tiềm năng này hơn.
Tác giả: Đà Nẵng
Nguồn tin: Moitruong.net.vn