Liên quan đến việc nhiều người dân TP. Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong thời gian qua, UBND TP.Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị công ty CP Thủy điện A Vương, Đắk Mi, công ty Thủy điện Sông Tranh, Sông Bung tạm dừng phát điện, tích nước lại trong hồ đến ngày 15/12 để tập trung phát điện, cấp nước cho hạ du TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Chính quyền TP. Đà Nẵng cũng đề nghị các chủ hồ chứa cung cấp thông tin cho thành phố về người đại diện có thẩm quyền ra quyết định việc vận hành xả nước về hạ du để đảm bảo nguồn nước cấp cho thành phố trong trường hợp hạn hán, thiếu nước để liên lạc xử lý kịp thời qua điện thoại.
Giải pháp vận hành nhà máy nước của TP.Đà Nẵng đang có vấn đề. |
UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với các sở ban ngành tỉnh Quảng Nam và liên hệ các chủ hồ chứa ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân, đặc biệt chủ động xây dựng, bố trí kế hoạch, thời gian lấy nước cụ thể, phù hợp với lịch vận hành của các hồ chứa theo quy định của quy trình nhằm sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí nguồn nước.
Trước đó, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng cục Quản lý Tài nguyên nước - bộ TNMT cho biết, theo các báo cáo, mực nước tại đập dâng An Trạch thời gian qua luôn bảo đảm vận hành các máy bơm. Như vậy là nguồn nước không thiếu. Vấn đề là giải pháp khai thác chưa được hợp lý đã dẫn đến tình trạng TP.Đà Nẵng "khát" nước sinh hoạt dài hạn.
Ông Nguyễn Trường Ảnh, Chủ tịch HĐQT công ty CP Cấp nước TP.Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, đơn vị đã chủ quan, không lường trước nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ nên lúng túng trong điều hành. Dawaco chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm, cho dù sự cố xảy ra trong đợt mặn, dẫn đến không có máy bơm dự phòng từ ngày 3-9/11.
Cũng theo ông Ảnh, khi xảy ra tình trạng thiếu nước, việc thông tin đến khách hàng còn chậm trễ, chưa thông báo kịp thời bằng tin nhắn cho từng khách hàng nên không nhận được sự thông cảm của khách hàng, gây dư luận và suy diễn không đáng có.
Không chỉ TP.Đà Nẵng "khát" mà, hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Nam có nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019 |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị, sở TNMT TP rà soát kỹ càng nguồn nước lưu vực sông Cu Đê, bởi con sông này nằm trọn trong địa phận TP.Đà Nẵng. “Khả năng lưu vực sông Cu Đê là bao nhiêu? Đề ra giải pháp thiết kế hồ đập, đáp ứng cho thủy lợi, nước sạch của TP, phát triển đô thị theo hướng sinh thái. Nguồn nước của sông Cu Đê rất sạch, không như nguồn nước từ Quảng Nam bị khai thác vàng, đủ thứ hóa chất rất nguy hiểm”, ông Nghĩa nói.
Về lâu dài, cần tính đến phương án đầu tư công đối với nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm là khả thi, dựa vào khả năng cân đối nguồn lực năm 2019 của địa phương. Cụ thể, nguồn tăng thu tiền sử dụng đất năm 2018 là 950 tỷ đồng, nguồn xây dựng cơ bản bố trí 300 tỷ đồng, tổng là 1.250 tỷ đồng, tương đương với nguồn vốn cần cho dự án là 1.243 tỷ đồng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa yêu cầu đưa Dawaco về một đầu mối để quản lý, xử lý. |
“Chúng ta tập trung làm luôn với bộ máy của mình. Xây dựng xong thì mình đấu thầu khai thác, thậm chí là chuyển giao dự án luôn, Nhà nước thu hết tiền về. Đề nghị UBND TP.Đà Nẵng làm nhanh để thông qua chủ trương đầu tư nhà máy nước Hòa Liên tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2018. Luật pháp đã quy định thì chúng ta chọn cách thức đầu tư nào hợp lý, nhanh nhất, sau đó sẽ chuyển giao dự án cho mô hình quản lý khác. Cái này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP.Đà Nẵng”, ông Nghĩa nói đồng thời đề nghị UBND TP.Đà Nẵng đưa ra mô hình chỉ có một đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện về Dawaco.
Tác giả: Lê Nhâm Thân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin