Ngày 24/11, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đi kiểm tra hệ thống vận hành sản xuất nước sạch tại trạm bơm phòng mặn An Trạch và nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp 80% nước sạch cho thành phố.
Đầu tháng 11, hơn một triệu người dân đã phải sống chật vật khi thiếu nước sinh hoạt ba ngày liền, nguyên nhân do hệ thống vận hành của nhà máy.
Trạm bơm An Trạch đang dồi dào nước để cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ hoạt động. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Chứng kiến trạm bơm An Trạch đang dồi dào nguồn nước, ông Nghĩa gợi ý phương án xây dựng đập chứa nước hoặc nhà máy sản xuất nước ngay tại đây, thay vì phải bơm về nhà máy nước Cầu Đỏ.
Theo bộ trưởng, nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không chỉ đối mặt với nhiễm mặn vào cuối mùa khô mà nước bị ô nhiễm vì quá trình phát triển đô thị và tình trạng khai thác vàng từ thượng nguồn.
Công ty cấp nước nhận trách nhiệm
Báo cáo với Bí thư Thành uỷ, ông Nguyễn Trường Ảnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nhận trách nhiệm đã chủ quan, không lường trước tình trạng nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, dẫn đến lúng túng trong điều hành.
Dawaco chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm nước tại trạm An Trạch nên không có máy bơm dự phòng từ ngày 3 đến 9/11. Khi xảy ra tình trạng thiếu nước, công ty cũng chưa thông báo kịp thời qua tin nhắn điện thoại đến khách hàng (như đối với việc thu tiền nước). Điều này dẫn đến người dân thiếu thông tin, gây dư luận và suy diễn không đáng có.
Ông Nguyễn Trường Ảnh nhận trận nhiệm liên quan đến sự cố thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng thừa nhận tình trạng nhiễm mặn tại nhà máy nước Cầu Đỏ vao cuối mùa khô diễn ra đã năm năm nay. Lần này, đơn vị vẫn chưa chủ động kiểm tra, đôn đốc các hoạt động tại nhà máy nước, lúng túng trong vài trò quản lý. "UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân liên quan", ông Hùng thông tin.
Ông Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, để xảy ra sự cố như vừa qua là điều "không thể chấp nhận". Tình trạng thiếu nước vừa qua là do lỗi của việc điều hành. "Hàng năm thành phố chi 12 tỷ đồng cho phương án dự phòng, nhưng khi cần bơm nước thì trạm An Trạch lại trục trặc do máy bơm hỏng. Việc này rất đáng kiểm điểm, xem xét lại trách nhiệm của công ty", ông nói.
Theo Bí thư Thành uỷ, Đà Nằng cần xử lý ngay việc thiếu nước, "đừng để mục tiêu thành phố đáng sống trở thành câu cửa miệng, hay lời động viên của các địa phương khác".
Ông Nghĩa đề nghị UBND thành phố xem xét tiềm lực, khả năng khai thác hiệu quả của Dawaco. "Dân thiếu nước là các đồng chí có tội. Có khi còn phải đưa ra toà chứ không phải là chuyện đơn giản.", ông nói thêm.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra hệ thống máy bơm tại trạm An Trạch. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Không để độc quyền nước
Ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc thiếu nước trong nhiều ngày liền như thời gian qua ở thành phố là chưa có tiền lệ. Điều này cho thấy tình trạng thiếu nước ở Đà Nẵng đã "đáng báo động". Dự báo đến năm 2019, thành phố cần 351.000m3 nước/ngày. Hệ thống hiện tại sau khi nâng cấp có thể đáp ứng. Đến năm 2020, thành phố sẽ cần 420.000m3/ngày, nếu nhà máy nước Hoà Liên (công suất 120.000m3/ngày) không đi vào hoạt động thì sẽ không cứu nổi.
Đánh giá sáu năm không xong thủ tục xây dựng nhà máy nước Hoà Liên là "điều kỳ cục và rất thiếu trách nhiệm". Ông yêu cầu các ngành liên quan phải sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết, trình HĐND trong kỳ họp tháng 12 tới để thông qua chủ trương, đấu thầu công khai theo luật để chọn phương án đầu tư nhanh nhất, kịp hoàn thành trong năm 2020.
"Chậm khởi công xây dựng nhà máy nước gây ảnh hưởng đến không chỉ dư luận mà cả uy tín của những lãnh đạo có liên quan", ông nói và yêu cầu các đơn vị liên quan tính đến phương án giao cho một đơn vị khác ngoài Dawaco khai thác ở nhà máy mới để tránh tình trạng độc quyền cung cấp nước.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Thẳng thắn cho rằng việc chậm xây dựng nhà máy nước Hoà Liên có trách nhiệm của lãnh đạo thành phố với người dân, ông Nghĩa nói quá trình phát triển nóng của đô thị đã bộc bộ nhiều hạn chế khi hạ tầng điện, nước, giao thông, y tế không đi trước một bước. "Không đáp ứng được nhu cầu là chúng ta đang nợ người dân. Nếu đến năm 2020 nếu không vận hành được nhà máy nước Hoà Liên thì sẽ vỡ trận", ông nhấn mạnh.
Lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi người dân tiết kiệm nước, các cơ quan nhà nước tăng cường xử lý nước thải để có thể tái tạo; tính đến phương án quy hoạch an ninh nước. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao khảo sát nguồn nước tại sông Cu Đê của Đà Nẵng; xem xét việc xây hồ chứa để chủ động nguồn nước, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn tỉnh Quảng Nam.
Phê bình Dawaco trong các vụ việc liên quan, Bí thư Thành uỷ đánh giá sau hai năm cổ phần hoá, phía doanh nghiệp đã tăng trưởng và duy trì lợi nhuận, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của thành phố. Ông cũng đề nghị UBND thành phố xem xét mô hình quản lý đại diện vốn nhà nước đối với công ty này, có phương án thay đổi để đáp ứng kịp thời nhu cầu cung ứng nước sạch.
Liên quan thông tin nghi vấn ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Dawaco cùng làm tổng giám đốc ở hai công ty, Bí thư Trương Quang Nghĩa yêu cầu UBND thành phố có báo cáo cụ thể. "Không thể để đứng tên cho có, rồi uỷ thác trách nhiệm. Tổng giám đốc phải là người điều hành trực tiếp, là người đại diện pháp nhân", ông chỉ đạo.
Trong các ngày từ 6 đến 9/11, người dân Đà Nẵng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt dù đang giữa mùa mưa. Họ phải dùng xô, chậu hứng nước nhỏ giọt để dùng dần; nhiều hộ dân phải mua nước uống chai về dùng,... |
Tác giả: Nguyễn Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress