Hiện Đà Nẵng có 32 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó 04 dự án thanh toán khối lượng, 07 dự án chuyển tiếp và 21 dự án đầu tư mới do các Sở, Ban QLDA làm chủ đầu tư, đầu tư theo hình thức BT, BOT, BLT,… |
Cụ thể, theo Sở KH-TP Đà Nẵng, trong năm 2017, TP Đà Nẵng thực hiện công tác đầu tư dưới hình thức đối tác công tư nhiều dự án. Tuy nhiên, các dự án trước đây hầu hết là đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, đa dạng hơn về hình thức thu hút đầu tư, các dự án chuyển tiếp, các dự án mới trong thời gian gần đây đã được Đà Nẵng lựa chọn hình thức hợp đồng đa dạng hơn (hợp đồng BOT, BOO, BTL, O&M...).
Với hình thức này, nguồn lực của khối kinh tế tư nhân tham gia đầu tư công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ công phục vụ cho mục đích của thành phố được thu hút, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách tại thời điểm đầu tư, một số dự án có cấu phần vận hành, kinh doanh sử dụng chính dự án để hoàn vốn đầu tư và tận dụng được nguồn nhân lực, khả năng vận hành của nhà đầu tư, từ đó chia sẻ rủi ro trong đầu tư, tiết kiệm ngân sách, không phát sinh bộ máy nhân sự vận hành như đầu tư công.
Trong năm 2017, Đà Nẵng đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (Dự án Chợ Nại Hiên, hình thức hợp đồng BOO). Qua sơ tuyển có 1 nhà đầu tư tham dự, hiện nay cơ quan chuẩn bị dự án đang tiến hành đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển.
Ngoài ra, có 1 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng, hình thức hợp đồng BT) và 1 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án (Dự án Trụ sở UBND, Công an, Trạm Y tế phường Hòa Hiệp Nam, hình thức hợp đồng BT), hiện nay các cơ quan được giao chuẩn bị dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có 5 dự án sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, đồng thời đã thực hiện công bố danh mục trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Tuy nhiên do hiện nay việc thực hiện đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế nên thành phố chưa tiến hành tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với 5 dự án này.
Cũng theo Sở KHĐT TP Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 32 công trình, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và 3 dự án đầu tư có sử dụng đất.
Cụ thể gồm: Dự án Khu Tái định cư Phước Lý 4; Dự án Đường vào Cụm công nghiệp Phước lý; Dự án Khu Tái định cư Hòa Hiệp 4; Dự án Tái định cư Hòa Hiệp mở rộng (phía Nam Nhà máy nước); Dự án Đường Nguyễn Tất Thành nối dài đến khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú; Dự án Đường Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà; Dự án Tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên; Dự án Đường Lê Trọng Tấn (đoạn đã thi công đến khu TĐC Phước lý 6); Dự án Đường Trần Hưng Đạo nối dài; Dự án Khơi thông sông Cổ Cò (đoạn 300m phía thành phố Đà Nẵng); Dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Đà Nẵng; Dự án đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng;…
Dự án xây dựng Nút giao thông Ngã ba Huế, một dự án đầu tư với hình thức BT lớn nhất trong lĩnh vực giao thông của Đà Nẵng |
Trong đó, có 3 công trình đã quyết toán, 4 công trình đã thanh toán khối lượng; 7 công trình chuyển tiếp và 24 công trình mới do các Sở, Ban QLDA làm chủ đầu tư, đầu tư theo hình thức BT, BOT, BLT,…
Liên quan đến dự án đối tác công tư, Đà Nẵng từng cùng Bộ GTVT phối hợp thực hiện Dự án xây dựng Nút giao thông Ngã ba Huế với tổng mức đầu tư 2.050 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT.
Dự án này do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm nhà đầu tư.
Đây được xem là dự án BT trong lĩnh vực giao thông lớn nhất của Đà Nẵng từ trước đến nay đầu tư bằng hình thức BT.
Tác giả: Hồ Xuân Mai
Nguồn tin: viettimes.vn