Tin địa phương

Đà Nẵng gia nhập đường đua đào tạo thiết kế vi mạch ngắn hạn

Ngày 3/7, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng bế giảng khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng khen thưởng những học viên có thành tích xuất sắc trong khóa học.


Khóa đào tạo Thiết kế vi mạch cơ bản trên công nghệ FPGA kéo dài hơn 3 tháng với sự tham gia của 30 học viên là giảng viên, sinh viên năm cuối thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bao gồm: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật; Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn; Trường ĐH Bách khoa , ĐH Đà Nẵng; ĐH Duy tân; Trường ĐH Đông Á...

Tham gia Khóa đào tạo, bên cạnh các buổi học lý thuyết cơ bản, học viên còn được thực hành trực tiếp trên các bo mạch hiện đại do Công ty TNHH Giải pháp Acronics cung cấp.

Học viên được bồi dưỡng kiến thức thiết kế vi mạch dựa trên công nghệ FPGA và tích hợp phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh cung cấp; qua khóa học các học viên có đủ năng lực và kỹ năng phân tích các thuật toán cơ bản, triển khai thành mô hình phần cứng và sử dụng ngôn ngữ Verilog/VHDL để phát triển thành các vi mạch cụ thể trên FPGA.

Đồng thời, các học viên được trang bị các phương pháp phân tích, kiến trúc và triển khai các thuật toán phức tạp hơn thành các vi mạch thực tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, doanh nghiệp cũng như đào tạo lại cho sinh viên.

Tại buổi lễ, có 26 học viên được trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học và 4 học viên được tuyên dương là: Nguyễn Linh Nam – học viên có nhiều đóng góp nhất cho khoá học; Phan Ngọc Kỳ, Phan Thị Lan Anh – giảng viên có kết quả xuất sắc nhất và Huỳnh Văn Thôi – sinh viên đạt kết quả học tập tốt nhất.

Theo thầy Phan Ngọc Kỳ, những kiến thức, nội dung được trang bị từ khóa học đào tạo giảng viên nguồn là nền tảng trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, các kinh nghiệm thực tiễn được truyền đạt bởi những chuyên gia hàng đầu, được thực hành trên những phần mềm chuyên nghiệp chắc chắn sẽ góp phần đắc lực cho việc triển khai giảng dạy chuyên ngành này ở các trường đại học trong thời gian đến.

Từ chương trình của Khóa đào tạo thiết kế vi mạch ngắn hạn lần này sẽ là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho các khóa tiếp theo, góp phần đáp ứng yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực giảng dạy, làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong nước và khu vực.

Tác giả: Hà Nguyên

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP