Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố là một trong những công trình mà đoàn giám sát của HĐND cho rằng công trình không khai thác, vận hành hết công năng, hiệu quả theo mục tiêu đầu tư. |
Trong đó,các công trình, dựán sử dụng nguồn ngân sách tập trung là 10.990 tỷ đồng, nguồn tiền sử dụng đất 35.733 tỷ đồng, nguồn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 4.323 tỷ đồng, nguồn vốn nước ngoài (ODA): 5.310 tỷ đồng. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, BT, BOT, BLT, có sử dụng vốn ngân sách thành phố với 14 dự án, với tổng mức đầu tư 2.527 tỷ đồng. Đang thực hiện công tác chuẩn bị và xúc tiến đầu tư đối với 21 công trình, tổng vốn đầu tư khoảng 39.510 tỷ đồng.
Nguồn vốn sử dụng trong đầu tư công được thực hiện trong thời gian qua bằng nguồn hỗ trợ, phân bổ từ Trung ương đối với việc đầu tư các công trình trọng điểm có quy mô đầu tư lớn. Bên cạnh đó, để đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị, Đà Nẵng còn sử dụng nhiều hình thức huy động khác, trong đó thực hiện chính sách “Khai thác quỹ đất tạo vốn đầu tư công” và chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nguồn tiền chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất là 35.733 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng nguồn vốn xây dựng cơ bản của thành phố.
Tuy nhiên, qua kiểm tra giám sát của đoàn giám sát HĐND thành phố thì hiện nay có gần 100 danh mục dự án, công trình tại 04 Ban quản lý dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn tất thủ tục thanh quyết toán. Cá biệt, có những công trình đã đưa vào sử dụng từ 10 đến 15 năm nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán xong như: Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Tây Nam Hòa Cường; khu dân cư Hòa Phát, hoàn thành năm 2003; đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc; đường Bạch Đằng Đông; 08 nhà chung cư 5 tầng Nại Hiên Đông; khu chung cư 5 tầng cuối tuyến Bạch Đằng Đông, hoàn thành vào năm 2004; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ giải tỏa dự án Làng cá Nại Hiên Đông…
Công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án chưa đảm bảo hồ sơ thiết kế dự toán,nhiều trường hợp tính thừa khối lượng, sai định mức làm tăng chi phí. Tính toán chi phí đền bù giải tỏa quá thấp, chi phí đền bù giải tỏa thực tế tăng gấp 2, 3 lần dẫn đến việc đánh giá hiệu quả đầu tư không chính xác, không cân đối được quỹ đất và nguồn vốn, thâm hụt ngân sách.
Một số dự án đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng không mang lại hiệu quả, gây lãng phí, tạo dư luận không tốt thời gian qua như: Dự án khu du lịch Bà Nà (trước khi chuyến giao cho Sungroup); dự án công viên nước; công trình Nhà biễu diễn đa năng; sân tập Golf khu vực công viên Thanh niên...
Bên cạnh đó, một số công trình đầu tư đưa vào sử dụng nhưng không khai thác, vận hành hết công năng, hiệu quả theo mục tiêu đầu tư ban đầu như: Trung tâm Hội chợ triển lãm thành phố, cung thể thao Tiên Sơn, công trình nâng cấp sửa chữa sân vận động Chi Lăng, khu chung cư vận động viên, nhà sinh hoạt cộng đồng...
Các khu dự án tái định cư còn dở dang, do chưa đủ mật độ công trình được xây dựng nên chưa được thảm nhựa, lắp đặt điện chiếu sáng, lát gạch vỉa hè. Một số hạng mục đã hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu hoàn thành, bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng, chưa thực hiện việc bảo trì công trình đúng theo quy định, quá trình sử dụng công trình đã gây hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dẫn đến một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường, ngập úng... gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.
Công trình hầm chui Điện Biên Phủ, công trình phục vụ APEC, mới đưa vào sử dụng đã bị ngập nước. |
Nhiều công trình đầu tư chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu, khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp một cách nghiêm trọng như: Nhà Văn hóa xã Hòa Liên; khu chung cư Vũng Thùng, Thuận Phước, Hòa Minh; hệ thống thoát nước thuộc dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên tại đường 2/9; hệ thống thoát nước hầm chui Điện Biên Phủ; kết cấu mặt đường một số tuyến đường, chất lượng vỉa hè các tuyến đường phục vụ APEC... đã gây bức xúc trong nhân dân.
Tại kỳ họp HĐND vừa qua, Chủ tịch HĐND Nguyễn Nho Trung cho rằng, trong thời gian tới HĐND sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án lớn; phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tăng cường giám sát, kiến nghị, phản biện kịp thời đối với hoạt động đầu tư công trên địa bàn thành phố. Nêu cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án, đơn vị giám sát và các tổ chức có liên quan đến dự án.
Tập trung đầu tư công vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa nhằm nhanh chóng đưa vào sử dụng, phát huy ngay hiệu quả đầu tư, không đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực đầu tư công.
Chỉnh trang lại các khu dân cư hiện trạng với các tiêu chuẩn quy phạm theo tiêu chuẩn các nước tiên tiến để đảm bảo chiến lược phát triển của một đô thị hiện đại, chú trọng phát triển và bảo tồn khu đô thị cũ; tổ chức thiết kế đô thị tại các khu vực trung tâm, các khu vực ven biển; dành đất cho các không gian cây xanh và không gian công cộng ven biển đảm bảo sinh hoạt cho người dân.
Tác giả: Nguyễn Nam
Nguồn tin: Báo Xây dựng