Tin địa phương

Đà Nẵng: Công viên APEC chỉ còn là đảo giao thông, cầu vượt thép che cầu Trần Thị Lý?

Theo các chuyên gia, phương án thiết kế tổ chức giao thông do tư vấn chọn lựa ở nút phía Tây cầu Rồng sẽ biến Công viên APEC thành… đảo giao thông; còn ở nút phía Tây cầu Trần Thị Lý thì cầu vượt thép sẽ che khuất 3 cánh buồm tuyệt đẹp của cầu này!

Biến Công viên APEC thành… đảo giao thông?

Như tin đã đưa, theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng, ngày 17/7, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý” với sự tham gia của đại diện các tổ chức thành viên cùng nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đô thị, văn hóa và các lĩnh vực có liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị nghe trình bày phương án "hai hầm đơn" đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng do tư vấn đề nghị chọn (Ảnh: HC)

Tại hội nghị, Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn XDCT giao thông 5 (Tecco 5) Phạm Ngọc Vinh cho biết, đối với nút giao thông phía Tây cầu Rồng, đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án “hai hầm đơn”, gồm 01 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2/9 (dài 120m) và 01 hầm nối liền đường Bạch Đằng nối dài với đường 2/9 đến Bạch Đằng (dài 120m); chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110 – 135m, bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng dự kiến 350 tỉ đồng.

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, về phương diện tổ chức giao thông, phương án 2 hầm sẽ xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao, đảm bảo khả năng thông hành qua nút thuận lợi, thông suốt đặc biệt là các dòng giao thông có lưu lượng lớn, đáp ứng nhu cầu giao thông trong dài hạn.

Tuy nhiên với các mặt cắt hầm thiết kế sẽ gây bóp hẹp các mặt đường 2/9, Trần Phú và đặc biệt là đường Bạch Đằng ở bờ Tây sông Hàn – nơi được xem là “phòng khách” của đô thị Đà Nẵng - so với hiện nay. Một số hành trình rẽ trái bị kéo dài, hiện tượng trộn dòng sẽ xảy ra tại một số tuyến đường như Lê Hồng Phong, 2/9, Bạch Đằng sẽ tạo ra những điểm ùn tắt mới.

Theo TS.KTS Tô Văn Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng...

Cũng theo KTS Phan Đức Hải, ngoài hướng tiếp cận vào cổng và bãi xe Bảo tàng Chàm từ đường Nguyễn Văn Linh và đường Trưng Nữ Vương thì còn tất cả các hướng đường khác phải đi vòng rất xa, gây bất tiện cho du khách và phương tiện đến tham quan bảo tàng độc nhất vô nhị trên thế giới này.

Trong khi đó, TS.KTS Tô Hùng, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhận xét, theo phương án trên thì lượng xe rẽ từ đường 2/9 theo 2 hướng (Bắc-Nam, Nam-Bắc) đều tập trung vào đường nhánh cạnh Công viên APEC trong khi bán kính quay xe khá hẹp nên sẽ khó khăn đối với xe khách trên 24 chỗ. Đồng thời lại nhập làn với luồng giao thông từ đường Bạch Đằng nối dài rẽ phải lên cầu Rồng. Tất cả sẽ tạo xung đột và nguy cơ ùn tắc tại đường nhánh là rất lớn.

Mặt khác, hành trình từ đường Nguyễn Văn Linh qua đường Bạch Đằng khá dài, trong khi đây lại là một trong những hành trình chính phục vụ du lịch. Hành trình Trần Phú qua Bạch Đằng chỉ còn 01 làn rẽ trái và nhập làn ngay lối lên của hầm chui nên khả năng gây xung đột rất cao.

... thì phương án nêu trên sẽ biến Công viên APEC chỉ còn là... đảo giao thông! (Ảnh: HC)

Về cảnh quan hạ tầng kỹ thuật khu vực đầu cầu phía Tây cầu Rồng, đặc biệt là Bảo tàng Chàm và sông Hàn, KTS Phan Đức Hải lưu ý việc làm hầm chui qua đường Bạch Đằng, Trần Phú sẽ làm giảm diện tích cây xanh đường phố. Đặc biệt, hầm chui sẽ cắt ngang tuyến cống thoát nước chính từ trung tâm TP ra sông Hàn, qua đường Nguyễn Văn Linh và các đường lân cận. Các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu tác động xấu và ứng phó các sự cố môi trường địa chất, thủy văn sông Hàn chưa đề cập, hoặc có nói nhưng chỉ mang tính lý thuyết.

Cũng về vấn đề này, TS.KTS Tô Hùng bày tỏ. “Lo ngại nhất vẫn là yếu tố cảnh quan tại vị trí đặc biệt nhạy cảm này. Trong không gian khá chật hẹp, lại là nơi có nhiều yếu tố cảnh quan (tự nhiên, nhân tạo) quan trọng, việc tạo ra 4 cửa hầm đòi hỏi phải có giải pháp đặc biệt về mặt thẩm mỹ. Với lưu lượng giao thông tâp trung lớn xung quanh Công viên APEC như vậy thì giá trị khai thác công viên sẽ giảm, biến công viên thành đảo giao thông!”.

Cầu vượt thép sẽ che khuất cầu Trần Thị Lý!

Ở cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý, tư vấn đề nghị chọn phương án “tổ chức nút giao khác mức 3 tầng”. Tầng trên cùng là cầu vượt thép theo đường 2/9, gồm 5 nhịp dài 203m. Bề rộng cầu cho 4 làn xe hai chiều. Tầng mặt đất cải tạo đảo vòng xuyến bán kính 24,5m (dùng cho các dòng rẽ trái). Tầng hầm dài 620m, 4 làn xe 15,5m; (hầm kín 155m, hầm hở 203m, hầm dẫn 2 đầu 262m) từ Bộ chỉ huy Quân khu 5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua 2/9, tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m.

Phương án nút giao 3 tầng đối với cụm nút phí Tây cầu Trần Thị Lý...

Các đường gom 2 bên cầu và hầm dẫn rộng 6-7m. Cải tạo hệ thống đường phía sau khu nhà hàng tiệc cưới với bề rộng 18,5m kết hợp mở rộng đường 2/9 (đoạn Công viên Đài Tưởng niệm đến nút Duy Tân) lên 4 làn xe để tổ chức làn rẽ trái vào khu nhà hàng tiệc cưới. Dự kiến kinh phí xây dựng theo phương án này là 520 tỷ đồng.

Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với “cầu vượt thép”. KTS Trần Dân, Chủ tịch Hội Cầu đường Đà Nẵng nêu rõ: "Việc thiết kế tổ chức giao thông ở khu vực này phải vừa giảm kinh phí đầu tư, vừa bảo đảm cảnh quan, tầm nhìn đẹp cho cầu Trần Thị Lý, không để công trình cầu 3 mặt phẳng dây như 3 cánh buồm tuyệt đẹp này bị cầu vượt che khuất. Cầu vượt thép chỉ là để “chữa cháy”, không bền vững nên dùng ở đây là không phù hợp cho lâu dài!".

Tương tự, KTS Phan Đức Hải cho rằng việc làm cầu vượt ở đây sẽ ảnh hưởng đến trường nhìn từ Tây sang Đông của cầu Trần Thị Lý, ảnh hưởng mỹ quan đô thị khu vực đường 2/9. Đồng thời ông lưu ý việc thiết kế quá tập trung vào giải phóng lưu lượng xe qua nút đường 2/9 và các nút đường Núi Thành, Bạch Đằng nối dài nên phương án tổ chức nút giao thông về quy mô và kinh phí đầu tư quá lớn. Cụ thể, hầm chui cả kín và hở trên đường Duy Tân quá dài (= 619m). Cầu dầm thép liên hợp mỏng manh và rất tạm bợ.

... KTS Trần Dân cho rằng cầu vượt thép chỉ tạm bợ, không phù hợp và sẽ che cầu Trần Thị Lý (Ảnh: HC)

Mặt khác, theo KTS Phan Đức Hải, các giải pháp tổ chức hầm ngầm ở khu vực này cũng đều ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước từ trung tâm TP ra sông Hàn. Trong khi đó các biện pháp phòng ngừa và giảm tiểu tác động xấu ứng phó với môi trường địa chất, thủy văn sông Hàn dường như chưa được đề cập.

KTS Tô Văn Hùng thì lưu ý, hầm chui trên đường Duy Tân nằm ngay trước Bộ Tư lệnh Quân khu 5 là khu vực có yêu cầu về an ninh. Hầm chui phía Tây cầu Trần Thị Lý thì lại gây xung đột với tuyến Bạch Đằng nối dài. Đồng thời khoảng cách từ chân cầu vượt đến ngã giao nhau giữa đường Tiểu La - 2/9 và lối dẫn vào khu nhà hàng tiệc cưới có nguy cơ gây ùn tắc ngay trên cầu.

Tác giả: HẢI CHÂU

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP