Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về vấn đề này.
Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu trong chuyển đổi số trên cả nước thời gian qua và liên tiếp nhận nhiều giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam. Ông có thể chia sẻ bí quyết giúp thành phố đạt được những kết quả này không, thưa ông?
Ông Lê Trung Chinh: Đầu tháng 10/2024, Đà Nẵng được vinh danh trong hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam với sản phẩm “Hệ thống giám sát điều hành thông minh”. Đây là năm thứ 5 liên tiếp Đà Nẵng được Ban Tổ chức Vietnam Digital Awards vinh danh.
Trước đó, năm 2020, Đà Nẵng được vinh danh với sản phẩm Cổng dịch vụ dữ liệu mở Đà Nẵng. Năm 2021 là sản phẩm Kho dữ liệu dùng chung TP. Đà Nẵng. Năm 2022 là sản phẩm “Nền tảng Công dân số Đà Nẵng”. Năm 2023 là năm đặc biệt khi có 4 giải thưởng cùng được ghi nhận là Nền tảng Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước chuyên ngành dùng chung cấp huyện; Mô hình, giải pháp cung cấp dịch vụ công nâng cao; Hệ thống Giám sát đỗ xe và Ứng dụng bản đồ số 4D trong quản lý hạ tầng Giao thông.
TP. Đà Nẵng đã đạt được những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi số và chúng tôi cũng không có bí quyết gì. Thực tế, thành phố đã triển khai tập trung vào 5 nguyên tắc.
Cụ thể, thành phố gắn triển khai chuyển đổi số với thực hiện mục tiêu lớn phát triển chung của thành phố. Đó là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển là “Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số” và mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Đoàn thể đều tham gia triển khai chuyển đổi số chứ không riêng gì cơ quan chính quyền, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, địa phương và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai tại ngành, địa phương mình.
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng. |
Triển khai chuyển đổi số tại TP. Đà Nẵng, chúng tôi có Nghị quyết chuyển đổi số của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; UBND thành phố ban hành Đề án chuyển số giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; ban hành Kế hoạch chuyển đổi số 5 năm; ban hành Kế hoạch triển khai chuyển đổi số hàng năm trong đó giao từng chỉ tiêu, từng nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, với kết quả triển khai và thời gian hoàn thành cụ thể để dễ thực hiện, kiểm tra, giám sát.
Thành phố đã thực hiện chuyển đổi số trên quan điểm đặt người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phải để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo môi trường sẵn sàng để doanh nghiệp, người dân góp ý, phản ánh, hiến kế và tiếp thu để triển khai. Trong đó, ưu tiên triển khai từ cơ sơ thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 để hướng dẫn trực tiếp, cụ thể cho người dân và hộ dân tại địa phương.
Với TP. Đà Nẵng, triển khai chuyển đổi số là quá trình liên tục, kiên trì, lâu dài, có kế thừa và trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, chủ động trong quá trình triển khai.
Năm 2023, Đà Nẵng được Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số giao triển khai mô hình thành phố chuyển đổi số điển hình tại Đà Nẵng để chia sẻ cho các địa phương khác. Địa phương đã triển khai thế nào và kết quả ra sao, thưa ông?
Kế hoạch hành động chuyển đổi số quốc gia năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã tin tưởng, giao TP. Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình “Thành phố chuyển đổi số điển hình”. Theo đó, thành phố thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số ở tất cả các cấp chính quyền, sở ngành, đơn vị trên địa bàn.
Thành phố đã tổng kết báo cáo kết quả triển khai mô hình này, thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và 12 nhóm mô hình chuyển đổi số ở tất cả các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã trên địa bàn.
Tiêu biểu nhất trong các mô hình này là cung cấp thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hay cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình của TP. Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Do vậy, ngày 31/8/2024, Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến" do Thủ tướng chủ trì tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN vào năm 2030. |
Hiện nay, kinh tế số đóng góp như thế nào trong GRDP của thành phố? Dự báo kinh tế số của thành phố phát triển thế nào trong những năm tới, thưa ông?
Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số Đà Nẵng năm 2023 chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đề ra 2025 là 20%. Đà Nẵng hiện có khoảng 2,3 doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân, tổng nhân lực CNTT thành phố tính đến cuối năm 2023 khoảng 53.000 người, chiếm 8,5% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố (trung bình toàn quốc là 3,7%).
Trong đó có 22.000 lao động trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, chiếm 45% trong tổng số lao động CNTT (toàn quốc khoảng 15%); lương bình quân đạt 18 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ số làm chủ công nghệ, giải pháp và có sản phẩm cung cấp toàn quốc và ngoài nước được đáng giá cao.
Với kết quả triển khai kinh tế số tích cực như hiện nay, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: “Hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, hình thành thành phố thông minh”; “Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố”, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2030 “kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP”,…
Chúng tôi xác định, vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Đà Nẵng cũng đã triển khai xây dựng Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng".
Theo kế hoạch, trong năm 2024, TP. Đà Nẵng quyết tâm hoàn thành các công việc, thủ tục để đưa tòa nhà ICT1 vào hoạt động trước, sau đó tiếp tục triển khai lắp đặt trang thiết bị cho 2 tòa nhà ICT và ICT 2 để đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Với những nỗ lực và định hướng phát triển rõ ràng, kinh tế số TP. Đà Nẵng hứa hẹn sẽ tiếp tục bứt phá, góp phần vào thành công của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Mục tiêu lớn của thành phố trong thời gian tới?
TP. Đà Nẵng đã triển khai xây dựng Chính quyền điện tử từ năm 2010, chính thức triển khai Thành phố thông minh từ năm 2019. Đề án xây dựng “Thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” đặt trọng tâm triển khai trên 3 trụ cột Hạ tầng – Dữ liệu – Thông minh. Đến nay, sau 5 năm triển khai, bước đầu thành phố đã hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu, hệ thống, nền tảng, để làm cơ sở triển khai cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thông minh cho người dân.
Triển khai Đề án Chuyển đổi số là thực hiện phát triển Chính quyền số - bước tiếp theo của Chính quyền điện tử, là phát triển Kinh tế số - 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII.
Mục tiêu lớn của chuyển đổi số của Đà Nẵng là đến năm 2030: “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN” và phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông trở thành ngành kinh tế chủ đạo với tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm gấp 2-2,5 lần tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố”. Đặc biệt, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 35-40% GRDP.
Để đạt mục tiêu lớn trên, vừa qua UBND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã đề xuất và được Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ thông qua, thống nhất xây dựng và triển khai “Đề án Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2035”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Tác giả: Khánh Hồng
Nguồn tin: vietnamfinance.vn