Ngày 20/5, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND Tp. Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng".
Sự kiện có sự tham dự của nhiều diễn giả, nhà khoa học trong và ngoài nước; Đại sứ quán các nước Tây, Bắc Âu. Hội thảo tập trung vấn đề trọng tâm như: Phát triển Đô thị thông minh và thực tiễn tại Việt Nam; chiến lược, định hướng và kết quả xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng; hạ tầng đô thị thông minh, quản trị đô thị thông minh...
Tại hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội thảo này là hoạt động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW.
"Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để từng bước xây dựng đô thị thông minh. Thành phố cũng đã ban hành các quyết định liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh, đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng internet băng rộng giúp người dân dễ dàng tiếp cận", Đại sứ Nguyễn Phương Nga đánh giá.
Đà Nẵng có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để từng bước xây dựng đô thị thông minh. |
Chia sẻ về định hướng của Đà Nẵng, Tiến sĩ Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng, cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Tp. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”.
Từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Cũng từ năm 2014, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: Giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Kế thừa hạ tầng, nền tảng, kinh nghiệm và kết quả đạt được, năm 2018, thành phố đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh; chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…
Đáng chú ý, ngày 28/8/2021, Đà Nẵng đã ban hành Đề án chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định chuyển đổi số là "chìa khóa" để giải quyết "điểm nghẽn" của thành phố, để mở ra không gian phát triển mới, cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đến nay, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số.
“Đà Nẵng đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng để triển khai thành phố thông minh thành công, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính. Đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh; hỗ trợ các doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối, mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Đà Nẵng/Việt Nam ra thị trường quốc tế”, ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng, “công nghệ không ngừng thay đổi, yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn và cách tốt nhất là phải hợp tác để đáp ứng; hợp tác đó không chỉ là công nghệ mà còn là sự chia sẻ trải nghiệm của các mô hình, trao đổi kinh nghiệm tốt, thành công của các thành phố, doanh nghiệp. Hội thảo với nhiều ý kiến từ các chuyên gia, bài học từ các nước trên thế giới là cơ hội quan trọng để các cơ quan, tổ chức của thành phố tiếp cận, thảo luận với các đối tác, các chuyên gia trong và ngoài nước về mô hình, giải pháp, công nghệ, chính sách để áp dụng, triển khai các hệ thống ứng dụng thông minh tại Đà Nẵng thành công, hiệu quả, đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”.
Ông Hans-Peter Glancer, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam, chia sẻ, với mục tiêu thành phố thông minh là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì vấn đề giao thông có tác động rất lớn. Bởi, ngày càng nhiều người dân đổ về các thành phố lớn sinh sống, học tập tạo nên những thách thức về khí hậu tại đô thị đó, đồng thời khiến chất lượng cuộc sống người dân bị hạ thấp.
Để giải quyết vấn đề này, tại Thành phố Vienna (Áo), chính quyền đã đưa ra các quyết sách như các khu dân cư được thiết kế đảm bảo sự kết hợp phù hợp giữa các chức năng từ ở, giáo dục đến việc làm, mua sắm và giải trí trong phạm vi di chuyển ngắn. Đặc biệt, cần thay đổi phương thức di chuyển thông qua hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Chính quyền Thành phố Vienna đặt mục tiêu mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông giảm 50% năm 2030 và 100% vào năm 2050.
Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại Vienna được thực hiện bởi hình thức vận tải thân thiện với môi trường, bao gồm: Đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô-tô…Đến năm 2030, Vienna đặt mục tiêu quyền sở hữu phương tiện cá nhân giảm xuống 250 phương tiện/1.000 người.
“Phương tiện cá nhân chiếm một lượng lớn không gian công cộng vốn được coi là hạn chế ở đô thị đang phát triển. Giảm bớt số lượng xe cá nhân thì không gian này sẽ được sử dụng cho các mục đích sinh thái như trồng cây, phủ xanh. Tuy nhiên để làm được điều đó thì chính quyền thành phố phải cung cấp được mạng lưới giao thông công cộng toàn diện. Chúng tôi còn sử dụng thêm các công cụ số hoá để thúc đẩy phát triển sự liên kết và giao thông đa phương thức, tức là sự kết hợp thông minh của các phương tiện vận tải khác nhau”, ông Hans chia sẻ.
Ông Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Tp.HCM, cho biết tại Hà Lan, thành phố thông minh là một phần của chương trình nghị sự và phát triển đô thị bền vững. Đó là việc nâng cao khả năng sống, tính bền vững và tính toàn diện của thành phố.
Thành phố thông minh là một hành trình liên tục, không phải là điểm đến cuối cùng. Các thành phố thay đổi với tốc độ chóng mặt, thật khó để dự đoán người dân sẽ cần và ước gì trong 30 năm tới.
Theo ông Daniel Coenraad Stork, giống như Đà Nẵng, du lịch rất quan trọng đối với Hà Lan. Xem xét đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, Hà Lan đặt mục tiêu phát triển Hà Lan thành một điểm đến đáng sống, phổ biến và có giá trị trong tương lai.
"Chúng tôi đã tạo ra một tầm nhìn dài hạn cùng với lĩnh vực này. Với tầm nhìn này, chúng tôi truyền cảm hứng, kết nối và tạo điều kiện cho các thành phố, khu vực, chủ sở hữu doanh nghiệp và các bên liên quan khác", ông Daniel Coenraad Stork nói.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Công Nguyên, Cố vấn Cơ sở hạ tầng Tổng Lãnh sự quán Vương quốc Anh tại Tp.HCM cho biết, để xây dựng thành phố thông minh cần có một hệ sinh thái thông minh, như ở Vương quốc Anh, họ xác định 4 trụ cột chính của hệ sinh thái này là nhà nước, chính quyền, khối tư nhân cung cấp công nghệ dịch vụ và các học viện, hiệp hội.
“Tại Việt Nam, chúng ta cũng đang dần hình thành hệ sinh thái thông minh tương ứng. Riêng với chính quyền Đà Nẵng, thời gian qua đã có những bước chuyển rất nhanh so với các địa phương khác. Về khối tư nhân, chúng ta cũng đang có những nhà cung cấp công nghệ lớn, các công ty bất động sản xây dựng các đô thị thông minh… Cả hệ thống chính trị Việt Nam đang vào cuộc để tạo sự chuyển đổi.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phát triển thêm những tiêu chuẩn về thành phố thông minh, có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân, có chiến lược lâu dài nhưng phải rõ ràng, kế hoạch cụ thể; đảm bảo hạ tầng kỹ thuật số 5G, 4G…”, ông Nguyên gợi ý.
Trong khi đó, Ngài Bakhtiyar Sharipov, Giám đốc Công ty TNHH Nectaris cho rằng, giải pháp cung cấp nước sạch cho đô thị thông minh thực sự quan trọng. Công ty cung cấp giải pháp hiện đại cho thành phố thông minh dưới dạng hệ thống cung cấp nước sạch phi tập trung NECTARIS. Đây là một hình thức cấp nước sạch đổi mới sáng tạo, một đặc tính mới của thành phố thông minh trong tương lai, đặc tính này góp phần vô cùng quý báu cho việc hình thành sức khỏe, hạnh phúc gia đình và xã hội với xu hướng “FoodTech”, đề xuất lắp đặt các hệ thống tại chỗ để sản xuất, lọc và làm giàu nước uống, cũng như phân phối nước bằng đường ống trong các dự án khu dân cư và thương mại đang được xây dựng.
Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc Tư vấn giải pháp thông minh của Điện Quang, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra rất nhiều giải pháp để góp phần xây dựng đô thị thông minh, như: Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh; giải pháp chiếu sáng thông minh khu vực công cộng và giải pháp chiếu sáng kết hợp điều khiển thông minh, tiết kiệm năng lượng và hướng tới đô thị xanh. Với hệ thống các nhóm giải pháp thông minh, bao gồm: Smart city, smart building, smart home ứng dụng cho rất nhiều phạm vi không gian khác nhau...
Những kinh nghiệm, giải pháp đột phá trong xây dựng đô thị thông minh được chia sẻ tại hội thảo sẽ giúp chính quyền thành phố Đà Nẵng chọn lọc và tìm ra các giải pháp tối ưu để ứng dụng, triển khai thực tiễn tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND Tp.Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan chủ động nghiên cứu các mô hình, tiêu chuẩn, giải pháp để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh; đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại thành phố và tiếp cận xu hướng, tiêu chuẩn của thế giới. Ông Minh cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh.
Tác giả: Minh Hoa
Nguồn tin: nguoiduatin.vn