Phấn đấu có 5.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) Lê Hoàng Phúc thông tin, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch gồm 7 chi nhánh doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó có 3 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn Việt Nam. Về nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế vi mạch ước tính có khoảng 550 kỹ sư.
Theo ông Phúc, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hình thành mạng lưới trường đại học, cơ sở đào tạo ngành lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, trí tuệ nhân tạo đạt chuẩn quốc tế; đào tạo mới và kết hợp chuyển đổi ít nhất 10% nhân lực ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng.
Có 20 doanh nghiệp thiết kế, dịch vụ thiết kế, 1 doanh nghiệp đóng gói kiểm thử, ít nhất 5 doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo được ươm tạo và phát triển. Đà Nẵng có 5.000 kỹ sư, trong đó 1.500 kỹ sư thiết kế và 3.500 kỹ sư kiểm thử, đóng gói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, từ tháng 10/2023 đến nay, thành phố đã đạt một số kết quả bước đầu phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch.
Đà Nẵng hiện có 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch. Ảnh: T.V. |
Cụ thể, về đào tạo nhân lực, thành phố triển khai 1 lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên của thành phố, có 3 trường đại học mở 3 lớp đào tạo thiết kế vi mạch; 3 trường đại học thông báo tuyển sinh kỹ sư thiết kế vi mạch với 170 chỉ tiêu từ tháng 8/2024. Đến nay, Đà Nẵng có được 41 kỹ sư ngành gần và 59 giảng viên đang học lớp thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, thành phố đã hình thành liên minh đào tạo DSAC và 5 trường đại học lớn trên địa bàn thành phố ký kết hợp tác đào tạo với Đại học Phenikaa (Hà Nội) và công ty Synopsys để thành lập liên minh đào tạo VASA Việt Nam.
Về thu hút đầu tư, trong 5 tháng năm 2024, Đà Nẵng kết nối và làm việc với 22 đoàn doanh nghiệp, tổ chức lớn hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo.
Về cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép TP. Đà Nẵng sử dụng hạ tầng CNTT của Khu Công viên phần mềm số 2 với tổng diện tích hơn 90.000m2 và cung cấp điều kiện làm việc cho 6.000 nhân sự ngay vị trí đắc địa của thành phố. Dự kiến, Khu Công viên phần mềm số 2 sẽ đi vào hoạt động từ quý 4/2024 với toà nhà ICT 1 và quý 1/2025 đối với 2 tòa nhà còn lại.
TP. Đà Nẵng đã triển khai 1 lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên của thành phố. Ảnh: T.V. |
Cần lựa chọn phân khúc cụ thể
T.S Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN cho rằng, Đà Nẵng là 1 trong 3 thành phố dẫn đầu của Việt Nam (Hà Nội và TP.HCM) về phát triển lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, thành phố cần khẳng định quyết tâm của lãnh đạo.
"Bên cạnh đầu tư thông qua ngân sách nhà nước và cơ chế đặc thù, Đà Nẵng cần huy động nguồn đầu tư khác, đặc biệt nguồn lực từ doanh nghiệp. Thành phố cần có quỹ phát triển khoa học nói chung để thu hút tất cả nguồn lực, kể cả nguồn lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI... ", T.S Quân chia sẻ và lưu ý, sản xuất vi mạch, AI là lĩnh vực rất lớn, rất rộng, do đó thành phố không nên dàn trải, cần lựa chọn phân khúc, công đoạn cụ thể.
Trong khi đó, Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng cần đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá trên cơ sở kết hợp đồng thời việc khai thác nguồn nhân lực tại chỗ kết hợp với tinh thần dân tộc, khát vọng cống hiến và đảm bảo các quyền lợi tương xứng về vật chất để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của các địa phương khác và từ các nước phát triển chuyển giao tri thức.
Điều này giúp Đà Nẵng nhanh chóng nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ để có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
"Song song với việc phát triển nguồn nhân lực, Đà Nẵng cần có các chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ có thế mạnh, từng bước xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong bối cảnh Đà Nẵng định hướng lộ trình thiết kế, kiểm thử và phát triển trí tuệ nhân tạo", ông Thanh góp ý.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Đáng chú ý, đối với 5 chính sách đề xuất mới theo thực tế của thành phố có phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách gồm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin từ nguồn ngân sách Thành phố phục vụ thu hút, phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá cho đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Được phép chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.... Cùng với đó, HĐND TP. Đà Nẵng quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền… Ngoài ra, chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... |
Tác giả: THÀNH VÂN
Nguồn tin: nhadautu.vn