Tin địa phương

Đà Nẵng: Bài toán đánh đổi làng chài lấy resort nghỉ dưỡng ven biển!

Toàn bộ bờ biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) trải dài từ ghềnh Xuân Dương tới cuối đường Nguyễn Tất Thành đã nằm trong dự án một khu du lịch lớn và đang giai đoạn giải phóng mặt bằng. Số phận của di tích đền thờ, an cư của những người dân cả đời sống bằng nghề biển Nam Ô sẽ ra sao và bài toán resort nghỉ dưỡng, biệt thự liền kề ven biển xóa làng có còn thu hút khách du lịch…?.

Người dân ngày ngày ngóng ra biển tiếc nuối

Dự án sẽ xóa sổ di tích?

Nam Ô sẽ không có gì để nói nếu chưa được quy hoạch thành một khu du lịch lớn. Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Trung Thủy, nhà đầu tư tiền thân là doanh nghiệp mỹ nghệ Miss Áo Dài, TP HCM) sẽ khởi công khu du lịch nghỉ dưỡng tại đây, với diện tích 36,5ha bao gồm 57 căn biệt thự hướng biển cao cấp, khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế và vui chơi giải trí... với số vốn đầu tư lên đến 3.300 tỉ đồng.

Điều này được bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam xác nhận, dự án khu du lịch Nam Ô resort ôm trọn bờ biển Nam Ô với 606 hộ dân thuộc 55 tổ dân phố phải di dời, giải tỏa. Trong số đó có 167 hộ ngư dân, khoảng 80 hội viên làng nghề nước mắm truyền thống.

Gia đình cụ Lê Hùng (84 tuổi) đã bốn đời theo nghề biển Nam Ô bày tỏ, bây giờ toàn bộ bờ biển đã thuộc dự án, khi những biệt thự mọc lên, dân muốn bước xuống tắm biển còn không được nói gì bám nghề biển mưu sinh. Đáng nói, dựa vào bản vẽ của nhà đầu tư, núi Nam Ô với rừng cây nguyên sinh mà người dân gọi rú cấm, sẽ phủ kín những căn biệt thự trên nền cỏ. Và nơi có ngôi mộ vị tiền hiền mà dân bản địa tương truyền 700 năm tuổi, trở thành một nhà hàng, bar rượu nhìn ra biển khơi và ngọn Hải Vân hùng vĩ…

Cụ Hùng cho rằng, Nam Ô là một làng chài truyền thống, đậm đặc trầm tích văn hóa. Vì thế, vẫn có thể phát triển du lịch sinh thái, làng nghề một cách cuốn hút mà không nhất thiết phải bê tông hóa, phủ lên đó các biệt thự, rào chắn bờ biển. Cụ Hùng nhìn nhận, Đà Nẵng đã có rất nhiều resort chiếm luôn cả bãi biển. Nếu hình dung cứ cắt bờ biển xây resort mãi, một mai, Đà Nẵng đâu còn những không gian của ký ức, không gian của làng chài đặc trưng.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng chia sẻ, dưới góc độ người làm văn hóa, ông cũng xót xa lắm. Một ngôi nhà cổ phá đi cũng đã tiếc nuối, huống gì cả ngôi làng với đầy lưu dấu lịch sử.

Nỗi lo sinh kế!

Để đưa dự án thành hiện thực, từ hơn 2 năm qua, dọc làng Nam Ô đã quây hàng rào sắt. Hàng rào vô hình trung đang và đóng lại ký ức của những người già một thời sống bám biển.

Bà Lê nói như oán, làng biển Nam Ô có hơn nửa dân số theo nghề biển, khai thác hải sản trong vịnh Đà Nẵng. Mùa lưới te, ngày trúng cũng được từ 1 - 2 triệu đồng. Ngày “hẻo”, cũng được từ ba đến 400 nghìn đồng. Mùa hè, đi lặn ốc tai, mỗi cân bán được 40 nghìn đồng, có ngày kiếm 40- 50 cân. Đến cuối năm, cả làng đi lấy mứt biển. Người Nam Ô xoay vòng như thế theo mùa, theo năm. Mặn cũng từ biển, ngọt cũng từ biển. Tất cả đều nhờ con thuyền ra khơi, hoặc len lỏi đến những ghềnh đá. Từ khi quy hoạch du lịch, không còn chỗ đậu thuyền, không còn đường lên lối xuống, hẳn sẽ khó khăn rất nhiều cho độ tuổi lao động từ 40 trở lên.

Ông Trương Hồng Sanh (65 tuổi, nhà sát biển) chua chát, lúc dự án khu du lịch mọc lên, gia đình ông Sanh bị giải tỏa trắng và chuyển về khu tái định cư Hòa Hiệp 2. Nghề biển theo ông 47 năm đành khép lại. Hai đứa con ông Sanh cũng theo nghề biển nhưng chắc không bám trụ được bao lâu. Ông Sanh lý giải, cá sống được nhờ nước, nghề biển muốn tồn tại phải trong không gian bên bờ biển, có nơi đặt thuyền thúng. Nay các hộ như ông chuyển vào khu tái định cư với 4 bức tường nhà ống, muốn ra tới biển phải mang vác ngư cụ băng qua tuyến đường lộ 2 làn xe chạy như mắc cửi... chỉ còn nước bỏ nghề. Mà bỏ nghề thì làm gì mưu sinh?

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam Nguyễn Thị Lệ, phần lớn ngư dân Nam Ô làm nghề khai thác gần bờ. Theo kế hoạch của TP, tới năm 2020 sẽ xả bản hết thuyền thúng, hỗ trợ chuyển đổi nghề. Các hộ làm nước mắm truyền thống được di dời về phường Hòa Hiệp Bắc, bên sông Cu Đê làm thành khu sản xuất tập trung. Phần lớn người dân làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô mua cá từ Quảng Ngãi về ướp nên di dời đi nơi khác cũng không ảnh hưởng gì. Việc cào mứt, bà Lệ nói người dân đi thuyền thúng từ biển vào vẫn có thể cào...

Tác giả: Vũ Vân Anh

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP