Ngày 7-5, Sở Xây dựng Đà Nẵng vừa ra Thông báo Kết luận của Giám đốc Sở Lê Tùng Lâm tại cuộc họp xử lý khắc phục đối với các dự án sử dụng kính phản quang.
Mặt kính vàng ốp cao ốc của Ngân hàng SHB phản quang cực mạnh. Ảnh: TẤN VIỆT |
Cuộc họp nhằm rà soát hồ sơ có liên quan đến hai dự án là Văn phòng (lô A2.1 đường Nguyễn Văn Linh) của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội - SHB và Tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower (lô A2-1, A2-2 đường Như Nguyệt, cùng tại quận Hải Châu) của Công ty cổ phần PAVNC.
Sở Xây dựng xét thấy 2 đơn vị chủ đầu tư nêu trên không thực hiện đúng hồ sơ thỏa thuận phương án kiến trúc đã được sở này thẩm định, UBND TP thống nhất trước đây.
“Cụ thể, 2 tòa cao ốc sử dụng vật liệu kính cho mặt tiền công trình là kính màu vàng, có tác dụng phản quang không phù hợp với phương án kiến trúc là kính màu xanh được duyệt và quy định quản lý kiến trúc theo Quyết định số 9801/QĐ-UBND ngày 15-11-2011 của UBND TP. Việc khắc phục còn rất chậm, mặt dù Sở Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc”, thông báo nêu rõ.
Việc sử dụng vật liệu kính không đúng quy định gây ra bức xúc trong dư luận như báo chí đưa tin trong thời gian qua. Đối chiếu với các quy định hiện hành, chủ đầu tư của hai công trình này phải chịu trách nhiệm khắc phục, sửa chữa.
Tổ hợp khách sạn căn hộ P.A Tower của Công ty cổ phần PAVNC. Ảnh: TẤN VIỆT |
Sở Xây dựng đề nghị 2 chủ đầu tư gửi phương án khắc phục sửa chữa, kèm theo tiến độ thực hiện cụ thể về Sở Xây dựng để theo dõi, giám sát thực hiện.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đề nghị hai chủ đầu tư phân kỳ giai đoạn thực hiện khắc phục, sửa chữa.
Phân kỳ 1, hai chủ đầu tư thực hiện 50% khối lượng. Theo đó phải ưu tiên xác định danh sách các nhà dân, công trình bị ảnh hưởng.
Hai chủ đầu tư đề xuất phương án thay thế, hoặc ốp (dán), phun mờ... giảm tối đa diện tích và độ phản quang của kính trong phạm vi ảnh hưởng.
Phân kỳ 2 và các phân kỳ tiếp theo (nếu có), Sở Xây dựng, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục theo dõi giám sát mức độ ảnh hưởng.
Nếu tiếp tục có ý kiến phản ánh của người dân và báo chí, chủ đầu tư tiếp tục có phương án xử lý tiếp theo. Mục tiêu là về lâu dài giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng vật liệu kính ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân xung quanh công trình.
Trong trường hợp 2 chủ đầu tư không chấp hành, Sở Xây dựng đề nghị UBND quận Hải Châu xử lý hành chính công trình sai phép với mức cao nhất quy định tại Nghị định 139 năm 2017 của Chính phủ.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh