Pháp luật

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh nhập viện, phiên sơ thẩm có bị hoãn?

Luật sư cho hay nếu ông Vĩnh do điều trị bệnh mà không thể hầu toà, nhà chức trách sẽ mở phiên toà riêng để xử lý sau.

Ông Phan Văn Vĩnh khi còn đương chức. Ảnh: Công an nhân dân

Sau thời gian điều trị bệnh suy vành (động mạch vành), tiểu đường và vẩy nến tại bệnh viện ở Phú Thọ, ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), một trong 92 bị can tại vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ xuyên quốc gia, có thể sẽ được chuyển lên tuyến trung ương ở Hà Nội để tiếp tục chữa trị.

Lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ cũng xác nhận ông Vĩnh nhập viện gần một tuần qua và việc này không ảnh hưởng gì đến phiên xét xử sơ thẩm sự kiến mở vào giữa tháng 11.

Phân tích tình huống pháp lý khi phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra, nếu bị cáo có vai trò quan trọng bị ốm phải điều trị tại bệnh viện, luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc) cũng cho biết Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015 quy định phiên tòa được phép tạm hoãn trong các trường hợp sau: lý do bất khả kháng như thiên tai, mưa bão lớn và trước khi ra tòa, bị cáo có hồ sơ bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo. "Tuy nhiên hồ sơ bệnh án phải có hội đồng pháp y đánh giá và công nhận", ông Bình nhấn mạnh.

Nếu ông Vĩnh không thể có mặt, phiên toà vẫn diễn ra bình thường song đến phần lời khai của ông Vĩnh liên quan các bị cáo khác, tòa án có thể lấy phần khai trước đó tại hồ sơ điều tra.

Với phần xét xử liên quan đến tội danh của ông Vĩnh, tòa sẽ mở phiên xét xử khi nào ông khỏi bệnh.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng về nguyên tắc bất cứ ai mắc bệnh đều phải được thăm khám và điều trị theo đúng quy định, dù đó là phạm nhân hay người đang bị bắt.

Trong trường hợp bị can do đang điều trị mà không thể có mặt, tòa án phải tạm hoãn phiên xét xử liên quan đến bị cáo trong khoảng một tháng. Việc xét xử phiên sơ thẩm là công khai không phải dựa vào hồ sơ do vậy bị can không xuất hiện để trả lời thẩm vấn sẽ khiến tòa khó tuyên án hoặc ra bản án phù hợp.

"Trường hợp nhiều lần hoãn thì có thể tạm đình chỉ vụ án để bị can có sức khỏe ổn định rồi xét xử tiếp", luật sư Tú nói.

'Đế chế' đánh bạc trực tuyến của hai đại gia nghìn tỷ. Đồ họa: Việt Chung

Ông Vĩnh bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt và Chủ tịch nước tước danh hiệu công an nhân dân vào đầu tháng 4. Tại bản cáo trạng ra ngày 31/8, VKSND tỉnh Phú Thọ đã truy tố ông về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2, Điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.

Cùng tội danh với ông Vĩnh là bị can Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50, Bộ Công an).

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ông Vĩnh và Hoá biết công ty CNC (do Nguyễn Văn Dương làm chủ tịch) tổ chức đánh bạc trá hình bằng game bài, nhưng không ngăn chặn, xử lý.

Đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu bị xác định đã tổ chức mạng lưới gồm 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 "đại lý cấp 2” và gần 43 triệu tài khoản tham gia. Tổng số tiền thu từ đánh bạc trực tuyến được xác định trên 9.800 tỷ đồng với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên số tài sản trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng của các bị can và những người có liên quan.

Tác giả: Phương Sơn

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP