Đà Nẵng vừa tổ chức kích cầu du lịch thì đại dịch Covid-19 lần 2 ập đến. |
“Chạm đáy”
Hai tháng qua, thông tin nhân viên khách sạn phải chịu cảnh thất nghiệp, nghỉ làm không lương do ảnh hưởng Covid-19 tràn ngập. Những con phố từng sầm uất với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Trường Sa, ven sông Hàn… trở nên đìu hiu khi khách sạn chỉ duy trì một vài bảo vệ, nhân viên kỹ thuật, tạp vụ.
Giám đốc điều hành một khách sạn lớn tại Sơn Trà cho hay: “Dịch Covid-19 lần 2 ập xuống Đà Nẵng khi lần 1 chưa kịp khôi phục, nên thực sự chúng tôi không còn đủ lực gồng gánh hoạt động. Doanh thu 8 tháng qua không bằng 1 tháng thấp điểm mọi năm. Trước khi tính đến khả năng bán khách sạn, tôi buộc lòng phải cho anh em nghỉ việc, không còn cách nào khác”.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, thời gian qua, ngành du lịch Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn. Ngay thời điểm dịch tái phát gần cuối tháng 7/2020, 100% tour du lịch bị hủy bỏ và Đà Nẵng phải giải tỏa hàng vạn du khách. Nhiều cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ.
Tương tự ngành du lịch, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng cũng ảnh hưởng nặng nề, sức mua giảm rõ rệt, giá cả biến động. Tại “vựa” đất nền khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và Nam Hòa Xuân (quận Ngũ Hành Sơn), giá hiện ghi nhận giảm khoảng 30% tại thời điểm mở bán vào cuối 2019, đầu 2020.
Đối với những khu vực đã có sổ đỏ tại khu vực Nam Hòa Xuân, mức giá có vẻ “cứng” hơn vì đã bắt đầu hình thành khu dân cư đông đúc, nhưng vẫn giảm đến 20% so với năm 2019. Chưa hết, giá rao như vậy nhưng rất ít, thậm chí rất hiếm gặp giao dịch thực tế.
Một chuyên gia bất động sản tại Đà Nẵng phân tích, bất động sản ở đây gắn liền với thị trường du lịch nên bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Chưa kể vụ mất sổ đỏ ở Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà CQĐT vừa khởi tố, cũng đã chứng minh hệ lụy do ảnh hưởng bởi Covid-19. Đào Thị Như Lệ (SN 1979, ngụ quận Hải Châu) đã sử dụng phi pháp sổ đỏ mượn được để mang “vay nóng” khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản thua lỗ.
Lệ trước đó đã vay hơn 500 tỷ tại một số ngân hàng cho các giao dịch bất động sản, tập trung vào thời điểm cuối 2018, đầu 2019, khi giá đất tăng mạnh. Không lâu sau đó, giá đất tụt giảm 30-35% và do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 nên bán “cắt lỗ” vẫn không có người mua. Lệ tiếp tục đi vay bên ngoài hơn 500 tỷ đồng với lãi suất cao từ 5-30% để “cầm cự” rồi mất khả năng thanh toán.
Vụ việc có thể khiến ngân hàng kiểm soát chặt chẽ hơn khiến việc vay vốn để đầu tư bất động sản ngày càng khó. Nếu thị trường vẫn tiếp tục “tụt dốc”, những người đang “ôm đất” từ các nguồn tiền vay sẽ còn đối mặt nhiều biến cố khôn lường.
“DN chỉ mong tồn tại”
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bày tỏ, nếu không có các biện pháp nhanh và những liều thuốc đủ mạnh để cứu DN, hàng trăm đơn vị du lịch và dịch vụ liên quan tại Đà Nẵng phải tuyên bố dừng hoạt động, phá sản ngay trong tháng 9/2020.
Một góc Đà Nẵng. |
Ông Dũng cho rằng, DN lúc này chỉ còn một yêu cầu làm sao để họ tồn tại, tránh phá sản vì đã quá kiệt quệ. Chưa lúc nào nguy cơ đổ bể kinh doanh, mất trắng cơ hội làm ăn lại đe dọa trực tiếp các DN như hiện nay, khi mọi điều kiện kết nối trong ngoài, mọi tích lũy vốn có, mọi khả năng huy động đều đã hết.
Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, báo cáo ước tính doanh thu toàn ngành du lịch năm 2020 sẽ chỉ đạt chừng 25% so với năm 2019, trong đó gần như 100% DN trong ngành đều không đạt kế hoạch. Nợ xấu, thuế tồn đọng đang là tình trạng chung của tất cả DN.
Bà Hạnh cho biết, bắt đầu từ 0h ngày 11/9, khi Đà Nẵng cơ bản đưa các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường, bảo đảm các nguyên tắc chống dịch, đơn vị cũng lập tức có phiên họp chiều cùng ngày để tiếp nhận các báo cáo, đề xuất cần hỗ trợ từ DN.
“Chúng tôi đang tập trung rà soát, lấy ý kiến các đơn vị để thực thi ngay các giải pháp giảm áp lực cho DN. Không kịp hỗ trợ hoặc hỗ trợ không đến nơi đến chốn đều sẽ khiến cả hệ thống đổ vỡ ngay”, bà Hạnh nói.
Ông Dũng đề xuất, để xoay chuyển tình hình, dĩ nhiên các DN đang cố gắng tìm cách tự cứu, nhưng việc định hướng tạo dòng sản phẩm và khách hàng rất cần thiết. Trước mắt, Sở và Hiệp hội đang cùng đề xuất mạnh dạn xây dựng kịch bản mời gọi “du lịch tại chỗ” ngay từ tháng 9/2020.
Theo đó, người dân Đà Nẵng sẽ được vận động, khích lệ tham gia các hoạt động du lịch sở tại, trải nghiệm các điểm du lịch, danh thắng ở địa bàn trên nguyên tắc bảo đảm an toàn dịch. Địa phương cùng các DN có các phương án tổ chức điểm đến, chương trình tham quan, mua sắm tích cực, thân thiện và an toàn cho người tham gia.
“Tặng thêm các phần quà, dịch vụ liên kết, là những việc có thể làm ngay để du lịch Đà Nẵng vận động lại”, ông Dũng nói.
Cũng trong kịch bản này, Đà Nẵng phải nỗ lực thể hiện điểm đến an toàn, sau 28 ngày tiếp đến không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, để có thể sau ngày 15/10 kết nối lại các hoạt động du lịch nội địa. Về du lịch quốc tế, dự đoán phải chờ tình hình chung, may mắn lắm đến mùa Giáng sinh 2020 mới chào mời được.
Nhiều người làm trong ngành du lịch chia sẻ, giải quyết bài toán như đề xuất của ông Dũng không đơn giản, nhất là sau sự cố Đà Nẵng bị biến thành tâm dịch ngay giữa mùa tái kích cầu vừa qua. Thế nên Đà Nẵng cần đề xuất vận động các tổ chức, đơn vị TW nghiên cứu đưa du lịch đến Đà Nẵng trong thời gian đến.
“Nếu lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, thông qua các phiên họp, sự kiện, có mặt ngay ở Đà Nẵng để truyền thông, sẽ giúp đánh bạt ngay những dư luận lo lắng, tâm lý đề phòng ở du khách nội địa. Chính quyền phải cùng chung tay, có mặt lên tiếng với tinh thần khẳng định Đà Nẵng an toàn, mới mong xoay chuyển được tình hình”, một người đưa ra ý kiến.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Võ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng cho rằng hiện giá đất giảm khá mạnh so với cách đây hơn một năm. Để hỗ trợ các DN bất động sản, ngân hàng cần có sự chia sẻ để ổn định tình hình, khoanh nợ, giãn nợ giúp DN vượt qua khó khăn.
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam