Kinh tế

Cường Thịnh Thi Group: Trúng thầu chục ngàn tỷ, khả năng trả nợ yếu

Cụ thể, công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi (Cường Thịnh Thi Group) đã tham gia 37 gói thầu, trong đó trúng 34 gói, trượt 3 gói, tổng giá trị trúng thầu xấp xỉ 12.460 tỷ đồng (Trong đó 115,237,900,000 đồng là các gói chỉ định thầu; 115,237,900,000 đồng là các gói thầu có KQLCNT nhưng không có TBMT).

Trúng thầu liên tiếp, thế chấp gói thầu cho ngân hàng

Trong vai trò liên danh chính, Cường Thịnh Thi Group đã trúng nhiều gói thầu có giá trị từ vài trăm tỷ đến cả nghìn tỷ đồng.

Cường Thịnh Thi trúng hàng loạt gói thầu khủng.



Đơn cử như tháng 6/2018, Cường Thịnh Thi Group cùng Xây Dựng Miền Trung, tổng công ty Xây dựng công trình hàng không ACC đã trúng gói thầu Xây lắp hoàn thiện đoạn từ Km4+787,24 đến Km9+726,86 (Bao gồm cầu Mỏ Nhát và cầu Rạch Ông) tại dự án Đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do ban Quản lý dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép Thị Vải làm chủ đầu tư với số tiền hơn 1.727 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, liên danh Cường Thịnh Thi - Thành Trung - Cường Thịnh Thi Nam Việt - Trường Lộc - Mỹ Đà trúng gói thầu trị giá hơn 973 tỷ đồng tại gói thầu số 08: Thi công xây dựng công trình, dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa tỉnh Sóc Trăng, do ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.

Đến tháng 11/2020, liên danh công ty Cổ phần Hải Đăng, Cường Thịnh Thi Group và công ty TNHH Nhạc Sơn trúng gói thầu XL02: Thi công xây dựng đoạn Km154+000 - Km168+000, nút giao Chợ Lầu và hệ thống ATGT đoạn Km134+000 - Km168+000 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) có giá gần 900 tỷ đồng.

Trong vai trò độc lập, tháng 9/2021, Cường Thịnh Thi Group trúng gói thầu 05: Thi công xây dựng công trình + Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng đoạn Km0+00 - Km7+645, tại dự án Đầu tư xây dựng Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa làm chủ đầu tư với số tiền hơn 588 tỷ đồng.

Chưa kể, tại quê nhà Ninh Bình, Cường Thịnh Thi Group là nhà thầu quen mặt khi “ẵm trọn” 4/4 gói thầu tại ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Ninh Bình với số tiền khoảng 783 tỷ đồng.

Đáng nói, chỉ riêng ngày 22/3/2022, Cường Thịnh Thi Group đã trúng liên tiếp 2 gói thầu bao gồm gói thầu số 08: Thi công xây dựng công trình (không bao gồm hệ thống an toàn giao thông), giá trúng thầu gần 70 tỷ đồng và gói thầu số 08: Thi công xây dựng công trình (phần công trình giao thông, không bao gồm hệ thống ATGT), giá trúng thầu gần 107 tỷ đồng đều do ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.

Chưa đầy 1 tháng sau đó (ngày 15/4/2022), Cường Thịnh Thi Group thế chấp “Quyền đòi toàn bộ khoản nợ/khoản thanh toán đã hình thành, hình thành trong tương lai..” của cả 2 gói thầu kể trên cho khoản vay của mình tại ngân hàng MB.

Nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, khả năng trả nợ yếu

Không chỉ “cầm cố” một số gói thầu, Cường Thịnh Thi đã dùng nhiều tài sản đảm bảo khác để nhận về những khoản vay “khủng” tại ngân hàng. Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ phải trả của Cường Thịnh Thi Group đạt khoảng 2.246 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Đáng nói, chiếm đến 99% các khoản nợ của doanh nghiệp là nợ ngắn hạn.

Thống kê tài chính của Cường Thịnh Thi.



Theo đó, nợ ngắn hạn Cường Thịnh Thi Group tại ngày 31/12/2022 đạt 2.214 tỷ đồng, con số này lớn hơn tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp cùng thời điểm (2.182 tỷ đồng), đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của Cường Thịnh Thi Group là 0,98.

Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời <1 “thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.

Đây không phải lần đầu tiên Cường Thịnh Thi Group rơi vào tình cảnh hệ số khả năng thanh toán hiện thời <1. Trước đó, tại thời điểm cuối năm 2020, chỉ tiêu này cũng chỉ 0,91.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Cường Thịnh Thi Group khoảng 4.305 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng sau 12 tháng. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp xấp xỉ 2.059 tỷ đồng.

Được biết, công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi được thành lập ngày 2/7/2004 tại Cảng Cầu Yên, phường Ninh Phong, TP.Ninh Bình.

Tính tới tháng 9/2014, Cường Thịnh Thi có vốn điều lệ 1.189 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Trường Thi sở hữu tới 88,4% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại được nắm giữ bởi các cổ đông gồm: Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Đại Sơn (2,79%); công ty TNHH Cường Thịnh Thi Bình Tây (2,79%); công ty TNHH Cường Thịnh Thi 189 (2,79%) và ông Đinh Văn Phi (3,22%).

Sau nhiều lần thay đổi quy mô, cập nhật tại tháng 9/2022, vốn điều lệ Cường Thịnh Thi đạt 2.289 tỷ đồng. Ông Trần Quang Tuyến (SN 1981) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Tác giả: Kiều Phong

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP