Pháp luật

Cuộc sống bên kia biên giới của những nạn nhân buôn bán người

Bị lừa bán, số người may mắn được “mua” về làm dâu của một gia đình nghèo khó rất ít. Hầu hết các nạn nhân đều rơi vào nhà chứa, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần khiến lúc nào họ cũng mang ý định vùng thoát.

Cuộc sống nơi “động quỷ”

Cuối năm 2015, H’N.B (trú huyện Đắk G’Long) trở về từ Trung Quốc để tố cáo những kẻ đã lừa bán mình vào “động quỷ”. Hai năm kể từ ngày may nắm trở về đoàn tụ với gia đình, nhưng mỗi khi nhắc lại ký ức đau thương ấy, khuôn mặt B. vẫn còn lộ vẻ hoảng hốt, lo sợ.

B. kể lại rằng, đầu năm 2014, Hoàng Văn Quyền (tạm trú ở Đắk G’Long) giới thiệu chị gái của anh ta ở Lào Cai đang cần người làm công việc rửa chén bát, với mức lương 30 triệu đồng/tháng, nếu B. giới thiệu được người sẽ được hưởng hoa hồng.

Đang trong hoàn cảnh khó khăn, B. liền đồng ý đi Lào Cai và hứa với Quyền sẽ rủ thêm bạn đi cùng. Ít ngày sau, B. đến gặp hai cô bạn là N. và T. để rủ đi Lào Cai, cả hai nhanh chóng đồng ý đi theo B.

Theo sự chỉ dẫn của Quyền, 3 cô gái đến bến xe khách huyện Đắk G’Long để đón xe đi Lào Cai. Do Quyền không đi cùng mà giao các cô cho hai người đàn ông khác nên, N. không chịu đi. Khi đó, chỉ còn lại B. và T. theo chân hai kẻ lạ mặt. Sau khi đến Lào Cai, B. và T. bị lừa bán vào một nhà chứa nằm ở một khu vực heo hút tại Trung Quốc.

Theo lời B., cuộc sống của cô và T. tại nhà chứa ở Trung Quốc chẳng khác gì địa ngục trần gian. Tại đây mỗi ngày, B. phải tiếp khách từ 17 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau và phải phục vụ nhiều khách làng chơi, đủ mọi loại người. Toàn bộ số tiền đều bị chủ chứa lấy hết, kể cả phần khách cho riêng.

“Bị vắt kiệt sức từ ngày này sang ngày khác, nên chẳng mấy chốc, chính chúng em còn không nhận ra mình trong gương nữa. Nhiều hôm bị chủ ép liên tục phục vụ khách, chúng em không lết nổi người ra khỏi giường, những lúc ấy chúng em chỉ muốn chết đi cho khỏi nhục nhã”, giọng B. nghẹn ngào.

B. trở về nhà sau những tháng ngày ê chề nơi động quỷ

Tuy nhiên, không chỉ có cô và T. mà B. còn chứng kiến rất nhiều cô gái là người Việt cũng bị lừa bán vào đây. Bất cứ người nào khi vào đây thì đều phải chịu sự dày vò từ thể xác đến tâm hồn. Họ lúc nào cũng bị giam cầm, không được tự do đi lại. Xung quanh chỗ luôn có nhiều người đàn ông hung hãn canh giữ ngày đêm.

May mắn hơn những cô gái sa chân vào động mại dâm, một số nạn nhân nữ khác bị bán cho những người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Những người này thường có hoàn cảnh khó khăn, khó lấy vợ trong nước nên tìm đến các mối lái để xem mặt, mua bán vợ. Chính vì thế, phần lớn những cô gái khi về nhà chồng sẽ bị giam cầm, sinh sống trong điều kiện lam lũ, khổ cực.

“Người đàn ông ấy bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua em về làm vợ, nên người ta yêu cầu em phải làm mọi công việc để “trả nợ”, bù lại số tiền đó. Thời gian đầu, em luôn có người theo dõi giám sát vì họ sợ em bỏ trốn, đến ngủ cũng phải có người bên cạnh nên cuộc sống chả khác nào bị giam lỏng”, V.T.H. (trú Đắk G’Long) nhớ lại quãng thời gian làm dâu một gia đình người Trung Quốc.

Vẫy vùng tìm lối thoát

Không chấp nhận cuộc sống bị giam cầm, tủi nhục, không chịu đựng được sự cực khổ nên nhiều cô gái đã liều mình bỏ trốn. Thế nhưng, việc bỏ trốn hầu như không thành công và bị bắt lại, rồi bị chủ chứa hoặc gia đình chồng đánh đập thậm tệ, bỏ đói nhiều ngày.

Cô gái Mông tên V.T.C (SN 1995, trú tại huyện Đắk G’Long) cũng vì nhẹ dạ mà bị bán cho một nhóm người Trung Quốc. Tại nơi đất khách quê người, C. sống trong những ngày tháng khổ cực, tủi nhục, ê chề vì bị ép “buôn phấn bán hương”. Càng đau đớn, tuyệt vọng, C. càng tìm cách trốn chạy nhưng tất cả đều thất bại.

“Phải mất một thời gian sau, em mới tạo được lòng tin với nhóm người bảo vệ trong nhà chứa vì không còn ý định bỏ trốn nữa. Trong thời gian này, em quen với một người khách Việt Nam, sau đó em lén lút mới mượn được điện thoại họ để gọi về cho người thân. Người nhà em đã ghi âm lại cuộc nói chuyện và làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Em mới được giải cứu thành công”, C. nhớ lại.

C. bảo, có rất nhiều phụ nữ Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, muốn được trở về. Cô từng nhiều lần chứng kiến những cô gái bị đánh thừa sống thiếu chết vì bỏ trốn thất bại. Thậm chí, do bị đọa đày quá mức, nên có những người chấp nhận buông xuôi cuộc đời, sống mà như cái xác không hồn.

Trong khi đó, D. may mắn trốn thoát khi phát hiện mình sắp bị bán vào nhà chứa

May mắn hơn C., S.T.D (SN 2001, trú huyện Đắk G’Long) đã kịp vùng chạy trốn trong đêm khỏi tay của bọn buôn bán người khi phát hiện ra mình đang ở trên đất Trung Quốc.

“Đêm đó, em cứ chạy hết con đường nhựa, rồi vào một lối mòn trong rừng để tránh sự lùng bắt. Đường thì mù mịt, nhưng em vẫn chạy thục mạng. Đến khi trời sáng, em may mắn bắt gặp một nhóm cửu vạn rồi họ dẫn em đến đồn công an để nhờ can thiệp”, D. kể lại hành trình chạy trốn của mình.

Thống kê của Công an tỉnh Đắk Nông, kể từ năm 2011 đến nay, mới chỉ có khoảng 14 nạn nhân bị bán sang nước ngoài được giải cứu hoặc trốn thoát về với gia đình. Thời gian qua tình hình tội phạm buôn bán người diễn biến khá phức tạp. Qua đấu tranh, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đường dây buôn bán người qua Trung Quốc, Malaysia, vào động mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Giai đoạn 2011-2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra khoảng 20 vụ buôn bán người. Hiện toàn tỉnh này đang có khoảng 80 phụ nữ vắng mặt khỏi địa phương, không liên lạc được.

Tác giả: Dương Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP