Lee Meng Zu hiện sống ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên (Ảnh: NBC) |
Khi còn là một thiếu nữ ở Triều Tiên, Lee Meng Zu từng theo học một trường đào tạo nghệ sĩ giải trí và nuôi giấc mơ được biểu diễn trên truyền hình nhà nước hoặc xuất hiện trước gia đình nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, nạn đói xảy ra trong thập niên 90 khiến Lee nhận ra rằng cô không có nhiều cơ hội nổi tiếng. Vào thời điểm đó, ước tính hơn 2 triệu người Triều Tiên đã chết vì nạn đói này.
Lee đã nghe theo lời dụ dỗ của một thương nhân Triều Tiên gốc Trung về cơ hội việc làm ở bên kia biên giới. Người này hứa hẹn sẽ giới thiệu cho Lee công việc rửa bát tại một nhà hàng thuê lao động Triều Tiên và cô đã vượt biên trái phép sang lãnh thổ Trung Quốc vào năm 18 tuổi.
Năm 1998, sau khi vượt qua con sông gần nhà ở tỉnh Hamgyong, Triều Tiên để sang Trung Quốc, Lee đã phát hiện ra một sự thật đáng sợ: Chủ nhà hàng ở Trung Quốc đã mua cô về để làm vợ cho một trong số các con trai của ông ta. Tuy nhiên, người đàn ông này khi đó vẫn đang phục vụ trong quân đội và chưa thể về nhà để cưới vợ. Đúng lúc đó Lee quyết định bỏ trốn khỏi Trung Quốc.
Lee không biết người đàn ông mua cô đã trả bao nhiêu tiền cho đối tượng môi giới. Lee chỉ biết rằng những phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự như cô được trả giá từ 1.000-2.000 USD. Tại Trung Quốc, Lee và một người họ hàng cũng bỏ trốn khỏi Triều Tiên đã gặp những người Triều Tiên khác.
Năm 1999, Lee đã lên một con tàu chở những người không có hộ chiếu và bỏ trốn sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, các sĩ quan Triều Tiên đã phát hiện ra con tàu này và đưa Lee cùng những người trên tàu quay về Triều Tiên. Lee sau đó bị đưa vào một nhà tù ở Triều Tiên nhưng do vẫn đang ở tuổi vị thành niên nên cô được thả trong một tháng sau đó.
Đường tàu ở Chongjin, tỉnh Hamgyong của Triều Tiên (Ảnh: AFP) |
Sau khi được trả tự do, Lee đã kết nối với gia đình và giải thích cho họ rằng nền kinh tế chuyển đổi của Trung Quốc có thể mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bố của Lee đã đưa cho con gái khoản tiền tương đương 20 USD để hối lộ một lính gác Triều Tiên và cho phép cô vượt biên sang Trung Quốc.
Rốt cuộc, Lee gặp một người đàn ông Hàn Quốc sống ở Trung Quốc và sinh một đứa con trai. Cả hai đã ở Trung Quốc trong 9 năm. Sau khi ly hôn, Lee đã tìm công việc làm hướng dẫn viên du lịch tại thành phố Thẩm Dương, nơi cách biên giới Triều Tiên khoảng 370 km.
Sau đó, Lee gặp những người sản xuất một bộ phim tài liệu và họ tiếp tục giới thiệu cô cho nhóm Durihana và một mục sư Cơ đốc của nhóm này tên Ki-won Chun. Từ năm 1999, ông Chun đã giúp nhiều người tị nạn Triều Tiên bắt đầu cuộc sống mới ở Hàn Quốc.
Theo Ki-won Chun, khoảng 99% người đào tẩu Triều Tiên vào Trung Quốc thông qua con đường buôn người. “Bởi vì nhu cầu phụ nữ ở Trung Quốc rất cao nên những người Trung Quốc sẵn sàng trả tiền cho đội tuần tra biên giới để đưa phụ nữ Triều Tiên sang”, ông Chun nói.
Nhóm của Chun đã giúp hàng trăm trường hợp như Lee ổn định cuộc sống ở Hàn Quốc - nơi chính phủ cung cấp nhà ở tạm thời và hỗ trợ giáo dục cho người đào tẩu trước khi cung cấp tài chính cho họ. Lee đã đổi tên khi tới Hàn Quốc vào năm 2008, song cô vẫn lo sợ rằng chính quyền Triều Tiên sẽ gây khó dễ cho bố mẹ và em gái của cô ở quê nhà.
Vấn nạn buôn người
Mục sư Ki-won Chun phát biểu tại nhà thờ Durihana ở Seoul (Ảnh: NBC) |
Tại Hàn Quốc, thông qua công việc trợ lý văn phòng, Lee kết hôn với một người đàn ông vào năm 2011 và có hai con trai. Nhiều năm sau ngày rời Triều Tiên, Lee hồi tưởng lại quãng đời khi trở thành quân cờ trong tay những kẻ buôn người. Mặc dù vấn nạn buôn người vẫn tồn tại khi những đối tượng mua bán phụ nữ vẫn chưa bị trừng phạt thích đáng, song Lee nhận ra rằng cô vẫn là một trong những người phụ nữ may mắn.
“Tôi rất buồn vì vẫn có những người khác bị mắc bẫy. Và tôi rất tức giận”, Lee nói.
Hiện vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lượng người Triều Tiên đào tẩu bị lừa vào đường dây buôn người tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng số lượng phụ nữ Triều Tiên rời bỏ quê hương để đào tẩu sang Hàn Quốc đang tăng lên.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trong giai đoạn đỉnh điểm của nạn đói từng tàn phá Triều Tiên năm 1998, chỉ 12% trong số gần 950 người Triều Tiên đào tẩu là phụ nữ. Tới năm 2017, con số này lên tới 83% trong số hơn 1.120 người Triều Tiên đào tẩu.
Giới quan sát cho rằng sự thay đổi trên diễn ra trong những năm gần đây khi phụ nữ Triều Tiên nhìn chung có thể dễ dàng vượt biên sang Trung Quốc mà không bị phát hiện. Họ có thể trở thành nô lệ tình dục hoặc được gả cho người Trung Quốc - nơi số lượng đàn ông nhiều hơn phụ nữ 30 triệu người.
Tự do tại Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ từng hỗ trợ hơn 700 người tị nạn, cho biết phụ nữ Triều Tiên luôn sống trong nỗi lo sợ bị đưa về nước do chính phủ Trung Quốc có chính sách trục xuất những người Triều Tiên nhập cư bất hợp pháp. Sau khi trở về Triều Tiên, những phụ nữ này có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn vì từng vượt biên ra nước ngoài.
Theo Giám đốc phụ trách nghiên cứu và chiến lược cho tổ chức Tự do tại Triều Tiên Sokeel Park, những người phụ nữ Triều Tiên bị giằng xé giữa hai thái cực: hoặc chấp nhận ở lại Trung Quốc dù bản thân không hề mong muốn, hoặc chờ chính quyền Trung Quốc giải cứu và chỉ chờ ngày trở về Triều Tiên.
“Nếu một người phụ nữ Triều Tiên bị bán (sang Trung Quốc), họ không thể bỏ chạy. Nếu họ bị lợi dụng hoặc bị ép buộc làm gái mại dâm, họ cũng không muốn ra trình diện cảnh sát. Thế yếu của họ chính là nguyên nhân khiến tình trạng bóc lột (phụ nữ Triều Tiên) tiếp diễn”, ông Park cho biết.
Cũng theo ông Park, mặc dù cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc, đã chỉ trích Trung Quốc trong những tháng gần đây khi không xử lý quyết liệt vấn nạn buôn người và có biện pháp bảo vệ những người đào tẩu, Bắc Kinh dường như không có động thái nào để thay đổi thực trạng này.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí