Pháp luật

Buôn người, lãi đến 300 triệu đồng/nạn nhân

Với mỗi nạn nhân bán sang bên kia biên giới trót lọt, những kẻ buôn người lãi đến 300 triệu sau khi đã trừ tất cả các chi phí. Với số lợi nhuận rất cao này, tội phạm buôn bán người ngày càng có nhiều thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ các nạn nhân và qua mặt cơ quan chức năng.

Đó là nhận định của Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh – Phó trưởng phòng PCTP ma túy, Bộ đội biên phòng Nghệ An trong Hội nghị triển khai chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phòng chống tội phạm mua bán người năm 2016 tại Nghệ An trong mấy ngày vừa qua.

Gia tăng tội phạm mua bán người


Hội nghị triển khai chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phòng chống tội phạm mua bán người năm 2016 vừa diễn ra tại Nghệ An.


Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2015, Nghệ An đã phát hiện 65 vụ, 135 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người. Cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra 63 vụ, 132 bị can tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em. Phát hiện, triệt xóa 7 đường dây, giải cứu 26 nạn nhân bị buôn người, tập trung xác minh hàng chục đường dây nghi hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em. Riêng năm 2015 đã phát hiện bắt giữ 20 vụ, 45 đối tượng liên quan đến mua bán người, giải cứu 29 nạn nhân.

CQĐT đã hoàn tất hồ sơ chuyển VKS truy tố 67 vụ, 125 bị can; TAND các cấp đã thụ lý xét xử 56 vụ, 86 bị cáo liên quan đến tội phạm mua bán người. Nạn nhân mà các đối tượng buôn bán người nhắm tới chủ yếu là chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 đến 30 tuổi, hoặc phụ nữ đã “quá lứa lỡ thì”, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; đua đòi ăn chơi; số em gái có tư tưởng thoát ly công việc lao động công nghiệp tại các khu công nghiệp…

Địa bàn hoạt động chủ yếu là các bản làng vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật và hiểu biết xã hội có phần hạn chế. Với chiêu bài tuyển dụng công nhân làm việc tại các công ty, cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh công việc nhàn hạ, lương cao… các đối tượng dễ dàng lôi kéo các trẻ em gái và nhiều phụ nữ nhẹ dạ sau đó bán sang bên kia biên giới. Đặc biệt, tội phạm mua bán người có sự góp mặt của chính một số nạn nhân đã từng bị bán.


Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh - Phó trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội biên phòng Nghệ An cho hay, một trong những nguyên nhân gia tăng tội phạm mua bán người là do có lợi nhuận rất lớn.


Lý giải về việc tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng, thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh – Phó trưởng Phòng phòng chống ma túy (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết: “Các nạn nhân sau bị bị dụ dỗ sẽ được trả từ 20 đến 60 triệu đồng. Trong khi đó, với mỗi nạn nhân bị bán qua biên giới, sau khi trừ hết các chi phí đi lại, ăn ở và tiền “tạm ứng” cho các nạn nhân thì các đối tượng lãi đến 300 triệu đồng. Lợi nhuận lớn khiến các đối tượng buôn bán người càng nghĩ ra nhiều chiêu thức nhằm qua mặt lực lượng chức năng”.

Nhiều thủ đoạn mới trong hoạt động tội phạm mua bán người

Theo đánh giá của các cơ quan liên quan, các huyện miền núi như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông là nơi có số nạn nhân của nạn buôn bán người nhiều nhất. Bà Trương Thị Tuyết Mai – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Thời điểm hiện tại trên địa bàn Quế Phong có 22 nạn nhân là phụ nữ bị mua bán đang vắng mặt tại địa phương hoặc đang ở nước ngoài. Trong quý 1/2016 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ án mua bán người nào. Tuy nhiên tội phạm buôn bán người vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, có thể tội phạm xảy ra với các phương thức thủ đoạn mới mà lực lượng chức năng chưa nhận diện được”.


Bà Trương Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong nhận định tội phạm buôn bán người có chiều hướng diễn biến phức tạp với các phương thức thủ đoạn mới.


Còn theo đánh giá của ngành chức năng huyện Tương Dương thì đến thời điểm này só người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp của cả huyện là 2.310 người, trong đó phụ nữ chiến tới hơn 1 nửa (1.219 người). Riêng xã Tam Quang có 137 người (62 phụ nữ), xã Nga My có 256 người (149 phụ nữ). Đây cũng là 2 xã được đánh giá tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp của tội phạm mua bán người.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng phụ nữ ra nước ngoài nhiều cơ bản là do thiếu việc làm, nhận thức xã hội thấp nên đi theo sự lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng buôn người. Một nguyên nhân khác nữa là do buồn chán chuyện gia đình (do chồng nghiện ma túy). Một bộ phận phụ nữ đã lấy chồng Trung Quốc làm phát sinh nhiều lệ lụy có nguy cơ cao cho xã hội, đe dọa anh ninh trật tự, an ninh quốc gia - đại diện huyện Tương Dương trình bày tham luận tại Hội nghị cho hay.

Sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, tư tưởng thích hưởng thụ, lười lao động của một bộ phận phụ nữ đã vô tình tiếp tay cho nạn buôn người. Tuy nhiên, trước sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng, các đối tượng tội phạm đã nghĩ ra nhiều chiêu thức mới.


Hai đối tượng mua bán người bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Nghệ An năm 2015.


“Các đối tượng vẽ ra lịch trình cụ thể với các nạn nhân và thân nhân của họ. Thế nhưng trong quá trình thực hiện chúng sẽ tìm cách đánh lạc hướng cơ quan chức năng như không đi theo lịch trình đã vạch sẵn, đưa nạn nhân lên ô tô rồi chọn một thời điểm ít ngờ nhất sẽ cho các nạn nhân xuống xe bắt xe khác hoặc gọi taxi nhằm cắt đứt sự đeo bám của lực lượng chức năng. Thay vì đưa trực tiếp các nạn nhân từ nhà ra Hà Nội để tìm cách vượt biên sang Trung Quốc thì họ lại đưa các nạn nhân vào các tỉnh phía trong rồi mới bắt xe ngược trở ra Bắc”, thượng tá Mạnh cho hay.

Tại hội nghị, các đại diện cũng đề nghị cần phải tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều hơn nữa các phiên xét xử lưu động tại các điểm nóng về tình trạng mua bán người, tạo nhiều việc làm tại chỗ, cấp thêm phương tiện, công cụ cho lực lượng chuyên trách, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong các lực lượng đối với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người.

Tác giả bài viết: Hoàng Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP