Kinh tế

'Cứ từ từ' kiếm thêm trăm tỷ: Đại gia 'lỳ đòn' ăn đậm, đổi đời

Nhóm lãnh đạo và người thân tại Hồng Hà thu về thêm cả trăm tỷ đồng nhờ quyết định trì hoãn thỏa thuận từ bỏ thương hiệu có tuổi đời 60 năm.

Không thua kém bất cứ một cổ phiếu nóng nào trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HHA của CTCP Văn Phòng Phẩm Hồng Hà đã tăng khoảng 3 lần trong vòng gần 2 tháng qua. Nếu tính từ khi lên sàn giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 25/5/2015, cổ phiếu này đã tăng khoảng 10 lần.

Theo thông tin từ UPCOM, nhóm cổ đông cuối cùng gồm 12 cá nhân lãnh đạo và người thân tại CTCP Văn Phòng Phẩm Hồng Hà đã đăng ký thoái vốn toàn bộ hơn 1,3 triệu cổ phần, tương đương 22,7% vốn.

Đây sẽ là nhóm cổ đông cũ cuối cùng tại doanh nghiệp này thoái vốn, bán sang cho một nhóm cổ đông mới.

Với mức giá cao kỷ lục mọi thời đại 120 ngàn đồng/cp, nhóm cổ đông kỳ cựu của Văn phòng phẩm Hồng Hà sẽ thu về khoảng 150 tỷ đồng.

Trong vài tháng gần đây, cổ phiếu HHA biến động rất mạnh. Cơ cấu cổ đông của HHA cũng biến động không ngừng.

Trước đó, hồi tháng 8/2018, 2 lãnh đạo là Ủy viên HĐQT Bùi Quốc Giang và Thành viên BKS Tạ Quốc Bình đã bán gần 1,62 triệu cổ phiếu tương ứng 27,43% vốn điều lệ công ty nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Dòng tiền vào TTCK vẫn rất mạnh.

Tuy nhiên, mức giá mà 2 lãnh đạo HHA bán ra chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức giá mà các cổ đông còn lại quyết định thoái vốn vào thời điểm hiện tại. Khi đó, giao dịch thỏa thuận gần 1,62 triệu cổ phiếu HHA, ghi nhận mức giá bình quân khoảng 38 ngàn đồng/cp.

Cổ phiếu HHA chào sàn UPCOM với giá chốt ngày đầu tiên hôm 25/5/2015 ở mức 10.100 đồng/cp. Cổ phiếu này sau đó tăng liên tục và tăng mạnh nhất trong khoảng 2 tháng gần đây, từ khoảng 40 ngàn đồng/cp lên 120 ngàn đồng/cp như hiện tại.

Sự sôi động của thị trường chứng khoán góp phần vào cú bứt phá dữ dội của cổ phiếu HHA. Tuy nhiên, nguyên nhân chính có lẽ là sự thay máu cổ đông và một cú thâu tóm của nhóm cổ đông mới.

Mặc dù là thương hiệu văn phòng phẩm nổi tiếng ở miền Bắc nhưng Hồng Hà có kết quả kinh doanh không có gì nổi bật trong vài năm gần đây, thậm chí có xu hướng suy giảm. Vấn đề được giới đầu tư quan tâm có lẽ là dự án bất động sản của doanh nghiệp này tại con phố trung tâm Lò Đúc (Hà Nội).

Tại ĐHCĐ bất thường hồi tháng 8, nhóm cổ đông mới yêu cầu thông qua việc chuyển nhượng dự án Hồng hà Office Tower tại số 94 Lò Đúc, Hà Nội. Dự án Hồng Hà Office Tower được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 236 tỷ đồng. Đây là dự án trung tâm giao dịch thương mại, văn phòng làm việc và cho thuê, cao 9-17 tầng với tổng diện tích 2.810 m2.

TTCK gần đây liên tục chứng kiến hàng loạt các cổ phiếu tăng lên mức giá cao kỷ lục giống như Hồng Hà nhưng có thể khác về nguyên nhân.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tiếp tục lập đỉnh mới với mức tăng 3.500 đồng/cổ phiếu và leo lên mức 132.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 19/10. Với cú bứt phá này, DN có tuổi đời khá non trẻ (13 năm) Thế Giới Di Động đã có quy mô vốn hóa vượt ngưỡng 40 ngàn tỷ đồng.

Giới đầu tư đang kỳ vọng vào DN bán lẻ điện thoại hàng đầu Việt Nam này có thể tấn công và thành công ở 2 mảng mới: điện máy và dược phẩm.

TTCK cũng chứng kiến sự bứt phá của hàng loạt các cổ phiếu ngân hàng sau khi các tổ chức này đồng loạt công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 3 và triển vọng tiếp tục sáng sủa trong quý 4.

Ngân hàng HDBank vừa bất ngờ báo lãi trước thuế hơn 1,9 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ 2016. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay.

Áp lực chốt lời với nhóm ngân hàng và bất động sản là khá rõ ràng. Tuy nhiên, mức giảm khá nhẹ nhờ lực đẩy đến từ các kết quả thực tế.

Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng bứt phá nhờ sự quan tâm của khối ngoại và tình hình kinh doanh cải thiện hơn. Các ông lớn như GAS, PVD, PVS… đều tăng giá.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Quy mô thị trường được dự báo không chỉ tăng mạnh theo kế hoạch thoái vốn nhà nước mà còn theo những chính sách mới thúc đẩy thị trường. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ triển khai giải pháp mới trong đó có quy định các doanh nghiệp chưa là công ty đại chúng cũng phải lên sàn UPCOM.

Thanh khoản chung trên thị trường vẫn còn khiêm tốn. Nó cho thấy, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước diễn biến chi phối của các cổ phiếu vốn hóa lớn đến thị trường. Sự phân hóa cũng mạnh lên theo kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/10, VN-index tăng 1,21 điểm lên 828,93 điểm; HNX-Index giảm 0,34 điểm xuống 109,08 điểm. Upcom-Index tăng 0,3 điểm lên 54,54 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 4,8 ngàn tỷ đồng, ngang bằng so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Tác giả: H.Tú

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP