Ngày 30/5, ông Nguyễn Thanh Quang, đoàn Đại biểu quốc hội TP.Đà Nẵng cho biết đã truyền tải những điều lưu tâm của cử tri địa phương đến với kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, giữ được sự ổn định và phát triển đất nước, giúp người dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những điều đạt được, trong quá trình quản lý ở các địa phương đã nổi lên hàng loạt sai phạm như quản lý đất đai, công tác cán bộ… Những sai phạm này mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm để lại hệ lụy to lớn, khó khăn.
Ông Nguyễn Thanh Quang. |
Tại TP.Đà Nẵng, nhiều cử tri rất quan tâm, lo lắng đến việc chậm trễ kiện toàn vị trí cán bộ chủ chốt, không có Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, thiếu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Ngoài ra, nhiều vấn đề người dân quan tâm khác cũng được đề cập. Theo ông Quang, từ năm 2000 đến 2012, TP.Đà Nẵng có chủ trương, người dân và doanh nghiệp được giao đất nộp đủ tiền trong vòng 60 ngày thì được giảm 10% trên tổng số tiền đất phải nộp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp cũng sẽ ghi rõ thời hạn “lâu dài” nếu nộp đủ tổng số tiền theo giá đất ở.
Tuy nhiên, năm 2012, kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu TP.Đà Nẵng phải thu hồi số tiền đất 10% đã giảm và điều chỉnh thời gian giao đất từ lâu dài thành 50 năm.
Trong thực tế, nhiều khu đất đã được bán, chuyển nhượng nhiều lần. Chủ nhân hiện tại ngoài việc mua theo giá thị trường, nếu làm theo kết luận Thanh tra chính phủ phải trả thêm 10% tiền sử dụng đất mà chủ đất đầu tiên đã được giảm. Ngoài ra, thời gian giao đất cũng sẽ được chỉnh lại. Những điều này khiến đất giảm giá trị trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao dịch tài chính…
Về vấn đề này, trước đó, người dân cho rằng, ai làm sai thì phải chịu. Ông Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, có cơ chế xử lý theo hướng chấp nhận cho người dân, doanh nghiệp không phải nộp 10% tiền đất đã giảm và không điều chỉnh thời gian sử dụng đất lâu dài thành 50 năm.
Suốt 20 năm, TP.Đà Nẵng đã giải tỏa 110.000 hộ dân. Dân tự nguyện di dời, bàn giao đất đến nơi ở mới. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, số tiền bồi thường chỉ đủ tiền xây nhà mà không đủ trả tiền đất. Nhà nước cho họ nợ tiền đất theo giá vàng.
Hiện, có khoảng 8.000 hộ dân ở diện này chưa đủ tiền trả tiền đất. Nhà nước có chủ trương, nếu quá thời gian trả nợ cho phép thì khi trả nợ tiền đất phải trả theo giá đất mới. Tức, dân phải trả gấp 3, 4 lần so với số tiền họ nợ, vì giá đất tăng. Ông Quang hy vọng, Quốc hội, Chính phủ xem xét thấu đáo vấn đề này cho người dân tiếp tục được nợ theo giá vàng trước đây và cho thêm 1 khoảng thời gian để dân tiết kiệm, tích lũy trả nợ.
Cũng theo ông Quang, được sự đồng ý của Chính phủ, TP.Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng 1 số công trình phục vụ cho cuộc sống chung của người dân, tiêu biểu là công trình nút giao thông ngã ba Huế. Công trình này tổng trị giá 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 29/3/2015. Công trình đã đưa vào hoạt động 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp kinh phí để trả cho doanh nghiệp. Vị đại biểu này mong Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm bố trí kinh phí trả nợ cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp duy trì phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tác giả: Nguyễn Duy Cường
Nguồn tin: Báo Người đưa tin