Thể thao

Cụ già U80 vác gậy chơi môn "thể thao quý tộc" ở làng quê Hà Nội

Đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng 14h chiều các cụ già ở làng Xuân Sơn và Xuân Bách (Sóc Sơn, Hà Nội) lại rộn ràng “vác gậy” ra sân chơi bóng. Mỗi lần bóng vào là tiếng hô hào, cổ vũ lại trở nên rộn ràng, náo nhiệt khắp cả một góc sân.

Bóng cửa vốn là môn thể thao phổ biến, thường dành cho vua chúa thời phong kiến ở Châu Âu. Thế nhưng thời gian gần đây, môn thể thao độc đáo này lại khá thịnh hành ở các làng quê ngoại thành Hà Nội. Trong đó, người chơi đa phần là các cụ ông, cụ bà đã ở "cái tuổi xưa nay hiếm".

Đã thành thông lệ, ngày nào cũng vậy cứ khoảng 14h chiều, các cụ già ở làng Xuân Sơn và Xuân Bách (Sóc Sơn, Hà Nội) lại rộn ràng tiếng hô hào nhau “vác gậy” ra sân chơi bóng. Với các cụ nơi đây, bóng cửa không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà đã thành niềm đam mê, vui sống mỗi ngày.

Môn thể thao này có cách chơi khá đơn giản. Trong đó, trận đấu gồm hai đội, mỗi đội 5 người sẽ tiến hành thi đấu trên khoảng sân rộng 200m2. Đội nào đưa bóng qua khung thành và đánh bật được bóng của đối phương nhiều nhất sẽ giành chiến thắng.

Trong quá trình thi đấu, các thành viên trong đội dùng trái bóng của đội mình để làm "cầu nối" tiến đến cột cờ giữa sân, và phá bóng của đối phương ra ngoài sân, buộc đối thủ phải chơi lại từ đầu. Mỗi người trong đội nếu hoàn thành tốt lượt chơi sẽ được tối đa 5 điểm.

Các cụ chăm chú, hồi hộp dõi theo từng diễn biến trên sân

Ở làng Xuân Bách, môn thể thao này phát triển khá rầm rộ và trở thành phong trào. Nhiều cụ đã gần 90 tuổi, hàng ngày vẫn hăng hái đội nón, “vác bồ” ra sân thi đấu. Mỗi lần bóng vào là tiếng hô hào, cổ vũ lại trở nên rộn ràng, náo nhiệt khắp cả một góc sân.

Cũng giống như nhiều môn thể thao khác, các đội chơi bóng cửa cũng có đội trưởng, huấn luyện viên và các trọng tài thi đấu riêng. Để giành chiến thắng đòi hỏi các đội phải có chiến thuật riêng và phải khéo léo để đưa bóng lọt qua khung thành.

Cụ Nguyễn Thị Môn năm nay đã 87 tuổi, có đến 20 năm kinh nghiệm chơi bóng cửa. Trong đội của mình, cụ được coi là thành viên xuất sắc với số lần đánh bóng qua khung thành luôn cao nhất đội.

Sở dĩ môn bóng cửa trở thành niềm đam mê của các cụ già nơi đây bởi nó dễ chơi, lại nhẹ nhàng đặc biệt tăng sự gắn kết, tập thể giữa các thành viên trong đội.

Từ một môn thể thao "quý tộc" giờ đây bóng cửa trở nên gần gũi, bình dị và phát triển thành phong trào ở các làng quê Việt.

Trong một trận đấu người chơi phải đánh bóng qua 3 cửa, mỗi cửa 1 điểm, cán trúng cột cờ giữa sân sẽ được 2 điểm.

Ở làng Xuân Bách (Sóc Sơn, Hà Nội), một đội bóng cửa có khoảng 16 cầu thủ. Ngoài luyện tập trên sân vào mỗi chiều, các cụ nơi đây còn thường xuyên tổ chức giao hữu với các đội bóng ở làng lân cận.

Tác giả: Hà Trang - Toàn Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP