Thể thao

Thể thao người khuyết tật giành kỳ tích tại Paralympic 2016: “Trân trọng, xin đừng đánh đồng”

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã tạo nên kỳ tích khi giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ tại Paralympic 2016. Tuy nhiên, vấn đề đang được nhắc đến là những số phận vượt lên chính mình và đem vinh quang về cho tổ quốc không được quan tâm, đầu tư một cách đúng mức. Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1, Tổng cục Thể dục Thể thao - đã đưa ra quan điểm rằng “không nên đánh đồng giữa thể thao người khuyết tật và thể thao thành tích cao”.


tt opt OQHE
Ông Nguyễn Hồng Minh. Ảnh: TL

1. Chúng ta phải hết sức trân trọng và ca ngợi Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Bởi đoàn đã tham dự Paralympic 5 lần và lần này giành thành tích 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ. Nhìn vào thành tích huy chương thì hơn cả đoàn TTVN tại Olympic 2016. Chúng ta trân trọng thành tích đó, bởi nó nói lên rằng TTVN đã xứng danh trên đấu trường thế giới và mang lại vinh dự cho thể thao khuyết tật Việt Nam.

Chúng ta trân trọng VĐV, HLV và những năm tháng đầu tiên tổ chức Đại hội thể thao khuyết tật sau những năm chiến tranh tại Quảng Trị. Cuộc thi được tổ chức trên mảnh đất máu lửa ấy để lại bao nhiêu nước mắt cho người tổ chức, khán giả. Vì ở đó có những con người tàn tật nhưng họ đã nỗ lực mang lại cảm xúc cho khán giả. Đó là ý chí của con người, là sự trân trọng tột cùng với tất cả những người khuyết tật đã vượt lên chính mình.

Thành tích mà đoàn thể thao người khuyết tật đạt được ở Paralympic cho thấy chúng ta có thể sánh vai với cường quốc của năm châu. Họ chính là nguồn động viên những người khuyết tật trên toàn thế giới hãy nỗ lực tiến lên để vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống.

2. Cần phân biệt rạch ròi giữa thể thao người khuyết tật và thể thao thành tích cao. Đối với thể thao thành tích cao, người ta tìm kiếm tài năng và đưa con người ấy sáng tạo nên những thành tích và những kỷ lục. Đó là giá trị của một con người đại diện cho một dân tộc. Điều này khác so với thể thao người khuyết tật là để cổ vũ những nỗ lực khắc phục khiếm khuyết của cơ thể và vươn lên trong cuộc sống.

Chính vì hai cái hoàn toàn khác nhau, nên chúng ta không thể đánh đồng, so sánh, rồi đưa ra quan điểm đòi hỏi sự công bằng là không nên. Như Lê Văn Công là VĐV khuyết tật khi nằm để nâng mức tạ 181,5kg khác hoàn toàn với VĐV bình thường. Không thể so sánh chuyện ấy được.

Mục tiêu của thể thao thành tích cao là sáng tạo thành tích và kỷ lục, còn mục tiêu của những người khuyết tật là chiến thắng chính bản thân mình và mang lại niềm tin cho những người khuyết tật trên toàn thế giới. Thế nên không nên đánh đồng hai lĩnh vực này, và cũng không nên so sánh để đòi hỏi sự công bằng trong tất cả.

Như nhiều ý kiến cho rằng từ chế độ, đầu tư, tiền thưởng phải giống nhau thì không đúng. Do đó xã hội và ngành thể thao nên quan tâm và có một sự nhìn nhận rạch ròi giữa hai lĩnh vực thể thao này.

3. Tất cả thành tích của thể thao người khuyết tật đều mang vinh dự lớn lao cho quốc gia. Do đó, về giá trị chúng ta phải coi trọng như nhau, trân trọng những con người như nhau. Mục đích quan trọng nhất của thể thao người khuyết tật là phải phổ biến thành công, những hình ảnh có sức lay động đó để những người khuyết tật ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung nỗ lực và có nhiều niềm tin hơn. Tuy nhiên, sự đầu tư là khác nhau chứ không thể đầu tư cho thể thao thành tích cao giống như người khuyết tật được. Theo tôi, những ý kiến yêu cầu đầu tư giống nhau là không có lý.

Điều quan trọng nhất là sự trân trọng và tạo điều kiện để VĐV vươn lên trong luyện tập, thi đấu cũng như trong cuộc sống. Thành công ở Paralympic 2016 hy vọng sẽ là động lực mà cũng là cơ hội để nâng cao sự quan tâm, đầu tư để hướng đến những thành công cùng giá trị nhân văn hơn…

Tác giả bài viết: Đặng Huỳnh(Ghi)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP