Kinh tế

Cú chốt bất ngờ cuối năm, "ông bà chủ" Tập đoàn Masan thắng đậm

Những tưởng thị trường sẽ đứng trước rủi ro lớn do hoạt động chốt lời cuối năm, song VN-Index lại vượt 1.100 điểm trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư. MSN của Masan suýt tăng kịch trần.

Phiên giao dịch cuối năm 2020 thắng lợi

Như vậy với việc đóng cửa trong trạng thái tăng đồng loạt trên "mọi mặt trận" của các chỉ số, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại phiên cuối cùng của năm 2020 đầy mĩ mãn.

VN-Index chính thức chinh phục xong mốc 1100 điểm, ghi nhận tăng 6,33 điểm tương ứng 0,58% lên 1103,87 điểm, đây cũng là mức đóng cửa cao nhất trong năm.

HNX-Index tăng 6,17 điểm tương ứng 3,14% lên 203,12 điểm và UPCoM-Index tăng 1,05 điểm tương ứng 1,42% lên 74,45 điểm.

Thanh khoản thị trường tuy không còn ở mức cao như các phiên trước do phần lớn nhà đầu tư thể hiện sự thận trọng, nhưng dòng tiền vẫn tốt.

Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HSX phiên này đạt 527,82 triệu cổ phiếu tương ứng 10.807,8 tỷ đồng; con số này trên HNX là 136,17 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.691 tỷ đồng và trên UPCoM là 53,28 triệu cổ phiếu tương ứng 603,7 tỷ đồng.

Trong phiên cuối năm, cổ phiếu rổ VN30 được mua vào khá mạnh và đã trở thành trụ kéo cả thị trường đi lên.

Với 19 mã tăng giá, VN30-Index đạt mức tăng 11,61 điểm tương ứng 1,1% lên 1070,77 điểm. Đáng chú ý là MSN của Masan tăng tới 6,5% lên 88.900 đồng, áp sát mức giá trần 89.300 đồng.

Nhờ diễn biến này nên cổ phiếu Masan ghi nhận mức tăng 7,37% trong 1 tháng và gần 68% trong vòng 3 tháng qua.

Tính so với đầu năm, cổ phiếu MSN tăng giá 59,23% tương ứng 33.069 đồng mỗi cổ phiếu. Mã này tăng xuống mức thấp nhất năm vào cuối tháng 2, song đến nay đã hồi phục mạnh, tăng 83,6% tương ứng tăng 40.480 đồng/cổ phiếu.

Cùng với diễn biến giá cổ phiếu, giá trị tài sản của vợ chồng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng mạnh trong năm qua.

Theo cập nhật của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Nguyễn Đăng Quang hiện đã tăng lên 1,5 tỷ USD sau khi rớt khỏi danh sách tỷ phú USD hồi tháng 3, tháng 4/2020.

MSN tăng giá mạnh nhất giai đoạn tháng 10 - tháng 11/2020

TCB cũng bật tăng mạnh 5,4% lên 31.500 đồng sau chuỗi này lình xình. SSI tăng 5,1% lên 33.100 đồng; VPB tăng 2,2% lên 32.500 đồng; FPT tăng 1,7%; POW tăng 1,5%; BID tăng 1,4%; MWG tăng 1,4%...

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng trong năm 2020

Thống kê của BVSC cho thấy, trong năm 2020, lũy kế từ đầu năm đến cuối năm, chỉ số VN-Index tăng tổng cộng 142,88 điểm tương đương 14,87%. Sàn HSX trong năm nay có 301 mã tăng và 96 mã giảm.

Trng đó, GVR, HPG và CTG là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số trong năm qua, đóng góp lần lượt 21,39 điểm, 20,12 điểm và 14,85 điểm cho VN-Index.

Trong khi đó, VIC, SAB và VJC là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi lần lượt 7,15 điểm; 5,32 điểm và 3,52 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình đạt 6.241,74 tỷ đồng mỗi phiên. Khối ngoại bán ròng 15.426,62 tỷ đồng trên sàn HSX.

Trên sàn HNX, trong năm 2020, chỉ số HNX-Index tăng 100,61 điểm, tương đương tăng 98,15%, lên 203,12 điểm. Chỉ số sàn Hà Nội có 234 mã tăng và 122 mã giảm.

Nếu như ACB, SHB và SHS là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp 20,37 điểm; 15,41 điểm và 4,76 điểm cho HNX-Index thì ở chiều ngược lại, V21, MBG và PGS là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên HNX-Index, lấy đi 0,25 điểm; 0,22 điểm và 0,19 điểm của chỉ số này.

Giá trị giao dịch trung bình trên HNX đạt 720,58 tỷ đồng/phiên trong năm qua. Khối ngoại bán ròng 2.429,60 tỷ đồng trên sàn HNX.

Tính trung bình 3 sàn là 7.396 tỷ đồng/phiên, tăng 58,93% so với trung bình năm 2019. Khối lượng giao dịch trung bình 3 sàn là 430 triệu cổ phiếu/ phiên tăng 89,51% so với cùng kỳ.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP