Vào tối mai (20h ngày 24/1), ĐTQG Việt Nam sẽ tranh suất vào vòng bán kết với ĐTQG Nhật Bản tại vòng tứ kết Asian Cup 2019. Theo đó, Công Phượng là cái tên được người hâm mộ trên cả nước đặt nhiều kỳ vọng.
Tiền đạo của HAGL đã có màn thể hiện thành công trong 4 trận đấu của ĐT Việt Nam với 2 bàn thắng đầy quan trọng, góp phần đưa đội tuyển Việt Nam trở thành 1 trong 8 đội bóng mạnh nhất châu Á ở thời điểm hiện tại.
Dù kinh doanh khó khăn song bầu Đức vẫn "thuỷ chung" với bóng đá |
Sự toả sáng của Công Phượng cũng như của thầy trò HLV Park Hang-seo trong giải đấu này khiến nhiều người liên tưởng đến bầu Đức, người đàn ông âm thầm đứng sau thành công của nền bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức là ông chủ đội bóng HAGL – cái nôi đào tạo nên Công Phượng và nhiều cầu thủ khác trong ĐTQG, là người đã đích thân mời HLV Park về Việt Nam và cũng là người trả lương cho ông Park.
Do đó, có thể nói, hơn hai hết, bầu Đức chính là người phấn khởi nhất, vui mừng nhất với những kết quả mà bóng đá Việt Nam đang đạt được, dù trong kinh doanh, vị doanh nhân này đang gặp phải không ít khó khăn.
Vừa qua, việc chính phủ các nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục cắt giảm diện tích trồng cao su, nhằm cắt giảm nguồn cung cao su, qua đó đẩy giá cao su cao lên. Điều này khiến nhiều người tin rằng, đây là cơ hội để những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai quay trở lại thời hoàng kim. Hiện tại, tập đoàn của bầu Đức đang có khoảng 40.000 ha diện tích trồng cao su, trong đó hơn 17.000 ha có thể khai thác.
Tuy nhiên, theo BVSC, các công ty cao su của Việt Nam tuy cũng được hưởng lợi từ việc giá cao su trên thế giới tăng nhưng không nhiều. Nguyên do là mặc dù Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu cao su nhiều nhất thế giới nhưng cao su do Việt Nam làm ra là loại SVL3L, loại này lại không có nhiều nhu cầu lớn trên thế giới.
Dẫu vậy, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HNG và HAG của các công ty bầu Đức đã khởi đầu tuần giao dịch này rất thuận lợi.
HAG tăng giá 0,61% trong phiên 22/1 và tiếp tục tăng 0,6% trong phiên giao dịch sáng. Khớp lệnh tại mã này đạt cao, tới 2,4 triệu cổ phiếu trong phiên hôm qua và 1,1 triệu cổ phiếu phiên sáng nay giữa bối cảnh giao dịch trên thị trường trầm lắng.
Tương tự, HNG hôm qua tăng trần mạnh mẽ và sáng nay tiếp tục tăng giá thêm 1,41% lên 14.400 đồng. Đây là một trong những mã cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số chính VN-Index trong hai phiên đầu tuần này.
Ngoài hai mã này, VN-Index sáng nay cũng nhận được sự ủng hộ của VIC, CTG, VNM, HPG, PAN, VJC… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VHM, MSN, VRE, BID, GAS, VCB… lại giảm và tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường chung. VN-Index theo đó mất 0,45 điểm tương ứng giảm nhẹ 0,05% còn 906,1 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,27 điểm tương ứng 0,27% còn 102,26 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp. Có tổng cộng 68,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.276,29 tỷ đồng trên HSX và 10,87 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 125,62 tỷ đồng trên HNX.
Độ rộng thị trường đang nghiêng về số mã giảm giá với tổng cộng 246 mã giảm, 21 mã giảm sàn so với 194 mã tăng và 30 mã tăng trần trên toàn thị trường sáng nay. Sự thận trọng với quyết định mua-bán cũng khiến nhà đầu tư ngại đặt lệnh mà đứng ngoài quan sát, dẫn tới 992 mã cổ phiếu không hề có giao dịch trong phiên.
Theo nhận xét của công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng hiện tại vẫn là chưa thực sự rõ ràng và như đã đề cập nhiều lần trong các báo cáo trước. Các nhà phân tích của VCBS vẫn thiên nhiều hơn về khả năng xu hướng chung của chỉ số sẽ vẫn là tích lũy đi ngang ít nhất là cho đến khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch kết thúc.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tận dụng sự vận động của dòng tiền trong ngắn hạn và cân nhắc giao dịch “lướt sóng” trong biên độ hẹp với các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò “dẫn dắt” tâm lý giao dịch trên thị trường trong những phiên gần đây.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí