Phiên giao dịch này, số mã giảm áp đảo số mã tăng trên toàn thị trường đã khiến diễn biến các chỉ số chính càng về chiều càng trở nên tiêu cực hơn. Cụ thể, có tới 316 mã giảm, 40 mã giảm sàn trong khi số mã tăng chỉ là 227 mã và 27 mã tăng trần.
Qua đó, VN-Index kết phiên 17/1 ghi nhận mất 6,81 điểm tương ứng 0,75% còn 901,89 điểm trong khi HNX-Index sụt nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,06% còn 101,92 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Chỉ có 133,88 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.464,61 tỷ đồng trên sàn HSX trong khi con số này trên HNX là 16,64 triệu cổ phiếu tương ứng 197,03 tỷ đồng. Cuối phiên vẫn còn 867 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch nào.
Trong phiên giao dịch này, VRE, GAS, SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Mỗi mã này góp vào mức giảm của VN-Index từ 0,9 đến xấp xỉ 1 điểm.
Tình trạng giảm giá cũng diễn ra tại VPB, VHM, MSN, VNM, HPG, PLX. Ngược lại, BVH, MBB, TCB, EIB, DPM, HPX… tăng giá nhưng tác động đến VN-Index khá hạn chế.
Các con của ông Trần Đình Long hiện tại không hề có cổ phần tại Hoà Phát |
Trong xu hướng chung, HPG của tập đoàn Hoà Phát đánh mất 550 đồng tương ứng 1,9% còn 28.900 đồng/cổ phiếu, đánh mất toàn bộ thành quả của phiên tăng 16/1. Thanh khoản tại mã cũng sụt giảm mạnh so với phiên trước xuống chỉ còn chưa tới 2 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Liên quan đến mã cổ phiếu này, chiều ngày 17/1 (thời điểm thị trường đã đóng cửa), Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong đã công bố thông tin đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HPG tương ứng tỷ lệ 0,05% vốn điều lệ Hoà Phát. Doanh nghiệp này hiện không sở hữu cổ phiếu nào của Hoà Phát.
Mục đích thực hiện này được ông Trần Vũ Minh cho biết nhằm “sở hữu cổ phiếu”. Giao dịch sẽ được thực hiện thông qua khớp lệnh và thoả thuận từ ngày 22/1 đến 20/2/2019.
Điểm đáng chú ý, công ty này là doanh nghiệp do ông Trần Vũ Minh – con trai ông Trần Đình Long làm Giám đốc.
Theo thông tin tại báo cáo quản trị gần nhất của tập đoàn Hoà Phát thì ông Trần Đình Long có hai người con là Trần Huyền Linh và Trần Vũ Minh, song không ai nắm giữ cổ phần nào tại Hoà Phát.
Trong khi đó, với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoà Phát, ông Trần Đình Long đang sở hữu gần 534,18 triệu cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 25,15%. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền cũng sở hữu khối lượng lớn tới 154,73 triệu cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 7,29% và là cổ đông lớn của Hoà Phát.
Trong lần gặp mặt nhà đầu tư tổ chức hồi cuối năm 2018, ông Trần Đình Long từng khẳng định sẽ không bao giờ bán cổ phiếu HPG, thậm chí “đánh tiếng” sẽ mua thêm cổ phiếu Hoà Phát, “mỗi lần 10 triệu cổ phiếu” song chưa thực hiện.
Trong khi đó, con trai ông Tạ Tuấn Quang – Thành viên HĐQT cũng đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu HPG trong khoảng thời gian từ 18/12/2018 đến 8/1/2019 nhưng chỉ mua được 30.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 172.450 cổ phiếu.
Trước những thông tin nói trên, cổ phiếu HPG vẫn mất giá khá mạnh trong vòng 3 tháng giao dịch vừa qua, mất hơn 29% giá trị. Diễn biến tiêu cực của HPG cũng là nguyên nhân khiến tài sản của ông Trần Đình Long bị tụt xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD, theo đó, Chủ tịch Hoà Phát không còn là “tỷ phú USD”.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 3 tháng qua |
Trở lại với thị trường chứng khoán ngày 17/1, khối ngoại mua ròng phiên thứ 7 liên tiếp trên HSX với giá trị 26 tỷ đồng. Các cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất là VNM, MSN và VCB. Các cổ phiếu có giá trị bán ròng cao nhất là VJC, HPG và SSI. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1,7 tỷ đồng.
Theo VDSC, chỉ số bất ngờ giảm mạnh và tiến gần mức cản tâm lý 900 điểm là yếu tố đáng lo ngại. Nhà đầu tư nên quan sát thị trường và chọn thời điểm tốt hơn để giải ngân.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí