Công khai giao dịch nhận tiền ngoại tệ ngay tại khu vực công viên Biển Đông (ảnh chụp ngày 10/8)Ảnh: Nguyễn Thành |
Sáng 10/8, phóng viên Tiền Phong có mặt tại khu vực dãy hàng quán bên cạnh công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Tại một quán nước ở phía cuối, chúng tôi kéo ghế ngồi và gọi café, nước uống. Lúc này quán khá vắng người, chủ quán tỏ ra khá niềm nở. Đến khoảng 9h30, bất ngờ chủ quán bước ra lớn tiếng đề nghị khách lùi sát bàn ghế lại vì sắp đón khách. Nữ chủ quán cho biết: anh em thông cảm, có đoàn khách Trung Quốc sắp đến. Mọi người ngồi gọn lại giùm.
“Thông cảm, khách Trung Quốc cô mới đổi vàng được. Ngày ni chưa được chỉ vàng nào”, nữ chủ quán nhanh tay dọn dẹp, vừa lau bàn vừa nói. Một nhân viên khác, ra quát tháo yêu cầu các phụ huynh có con nhỏ không để các cháu chạy nhảy sẽ vướng chân khách và nhân viên phục vụ. Các em nhỏ bị bắt ép ngồi lên ghế tròn xoe mắt không biết chuyện gì. Trong khi người lớn tỏ ra khá bức xúc với thái độ cũng như cách hành xử của chủ quán và nhân viên.
Khoảng 10 phút sau một đoàn khách Trung Quốc mặc đồng phục xanh bước từ xe khách xuống, chủ quán và nhân viên túa ra mời gọi du khách vào quán. Dừa trái, kem, café… là những món hàng đoàn khách Trung Quốc ưa thích nhất. Điều đáng nói, du khách mua hàng thanh toán không bằng tiền Việt Nam đồng mà thay vào đó là những đồng Nhân dân tệ đủ mệnh giá.
Do vốn tiếng Trung Quốc hạn chế nên chủ quán và nhân viên phải liên tục khua tay, chỉ trỏ vào những tờ tiền trên tay để du khách hiểu. Thậm chí, khách còn phải rải tiền ra trên mặt kính tủ lạnh để đếm. Việc giao dịch diễn ra công khai, ồn ào. Chủ quán sau hơn 30 phút mời chào, bán hàng thu về một xấp tiền Nhân dân tệ trên tay, miệng cười tươi vì “trúng mánh”. Cạnh đó, hướng dẫn viên ngồi ngay tại quán nước vẫn ngó lơ, không hề có sự nhắc nhở nào đối với du khách.
Ngày 14/8, chúng tôi có mặt tại chợ Hàn (quận Hải Châu) một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Đà Nẵng. Tầm 9 giờ đến 11 giờ là thời điểm du khách đến mua sắm nhiều. Trong số đó, có nhiều đoàn du khách Trung Quốc. Cảnh mua bán, chào mời tại các gian hàng trái cây, hải sản khô, đồ trang sức, thời trang… diễn ra tấp nập. Theo ghi nhận của phóng viên, một số chủ sạp hàng vẫn nhận ngoại tệ khi giao dịch với khách, trong đó có đồng Nhân dân tệ. Thậm chí có chủ cửa hàng còn cầm cả xấp tiền Nhân dân tệ để mời chào du khách. Trong vai người tìm mối mua hàng cho một đoàn khách nước ngoài chuẩn bị đến Đà Nẵng, phóng viên hỏi một số chủ sạp có nhận ngoại tệ không? Một số chủ sạp gật đầu và cho biết: cứ việc dẫn khách đến, ngoại tệ đều nhận hết.
Vi phạm quá rõ
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết: Theo quy định du khách không được phép dùng ngoại tệ để giao dịch mua bán khi đến Việt Nam. Sở đã tuyên truyền để người dân, du khách biết và tuân thủ quy định của pháp luật. Sở cũng thường xuyên phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh tra một số địa điểm, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý. Riêng đối với các đơn vị lữ hành, Sở có thông báo để các đơn vị hướng dẫn du khách chấp hành quy định. Tuy nhiên, thẩm quyền xử lý việc du khách dùng ngoại tệ là của Ngân hàng Nhà nước. “Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm sở sẽ chuyển cho Ngân hàng Nhà nước xử lý”, ông Bình cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Minh (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng), cho biết: Việc người dân và du khách sử dụng ngoại tệ để giao dịch buôn bán là không được phép và vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khuyến cáo người dân về việc này. Tuy nhiên, vì thấy có lợi nên nhiều người vẫn bất chấp quy định, cố tình vi phạm
“Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được sử dụng đồng Việt Nam, không được sử dụng bất cứ đồng tiền của bất cứ nước nào để giao dịch buôn bán nếu không được cấp phép. Hành vi của các hộ kinh doanh, người làm du lịch nhận tiền ngoại tệ trong đó có Nhân dân tệ của Trung Quốc là vi phạm, phải bị xử lý nghiêm. Nếu Ngân hàng Nhà nước phát hiện trường hợp người dân vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Minh cho biết.
Ông Minh thông tin thêm: Tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý một vài trường hợp vi phạm nhận thanh toán bằng đồng USD (Mỹ). Tuy nhiên, việc giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đến nay chưa phát hiện trường hợp nào. Hiện nay, có hơn 300 phòng giao dịch của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng đều có dịch vụ đổi tiền ngoại tệ cho du khách sang Việt Nam đồng. Riêng tư nhân không được phép đổi tiền ngoại tệ. Chỉ trường hợp nào có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước mới được phép giao dịch, đổi tiền cho du khách và người dân.
Việc khách tiêu dùng bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam theo ông Minh là không tôn trọng chủ quyền quốc gia khi đến nước ta và ảnh hưởng đến đồng tiền của Việt Nam. Người dân vì hám lợi nhận tiền ngoại tệ vô tình tiếp tay cho việc này. Nguy hiểm hơn, việc đưa ngoại tệ vào thị trường sẽ ảnh hưởng đến cân đối tiền tệ của quốc gia, ảnh hưởng đến lạm pháp và nhiều hệ lụy.
“Luật đã có và thông tin tuyên truyền đã rộng rãi nhưng người dân vẫn cố chấp, không chấp hành quy định của nhà nước, làm sai, làm ẩu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc”, ông Minh cho biết.
“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Đây là ý thức tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia, độc lập tiền tệ quốc gia. Đây là vấn đề lớn”, ông Minh cho biết.
Một tiểu thương tại chợ Hàn vừa nhận tiền ngoại tệ của du khách mua hàngẢnh: Nguyễn Thành |
Theo ông Minh, để làm tốt và quản lý chặt việc sử dụng ngoại tệ, các ngành chức năng có quyền kiểm tra giấy phép, công an, quản lý thị trường, cơ quan thuế phải vào cuộc. Nếu phát hiện trường hợp sử dụng ngoại tệ có thể lập biên bản tại chỗ, sau đó chuyển cho Ngân hàng Nhà nước để xử phạt nghiêm minh.
|
Tác giả: Nguyễn Thành
Nguồn tin: Báo Tiền phong