Trong nước

Công bố quy vạch vùng ĐBSCL đến năm 2030: Thêm 6 đô thị loại I

Ngày 23/3, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức “Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao đồ án điều chỉnh quy hoạch cho 13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế xã hội trước những thách thức mới, tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế trong liên kết nội vùng và ngoại vùng, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch điều chỉnh, vùng ĐBSCL sẽ hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp gồm: Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, dọc Sông Tiền - Sông Hậu, Tây sông Hậu, bán đảo Cà Mau và ven Biển Đông. Các vùng sinh thái này sẽ phát triển dựa trên trọng tâm nông nghiệp đa dạng và chuyên môn hoá cao.

Về cấu trúc không gian, ĐBSCL được phân thành 3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng ngập sâu (chiếm khoảng 15% diện tích tự nhiên của ĐBSCL), Tiểu vùng giữa đồng bằng (khoảng 38% diện tích), Tiểu vùng ven biển và hải đảo (khoảng 47% diện tích).

Ngoài TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, ĐBSCL sẽ có thêm 6 đô thị loại I (cấp vùng, trực thuộc tỉnh) là Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Tân An (tỉnh Long An), Long Xuyên (tỉnh An Giang), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 còn định hướng phát triển nhiều lĩnh vực như: Công nghiệp, du lịch, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải cùng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: "Quy hoạch được điều chỉnh đã có bước đột phá khi xác định biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu cần phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội; trong đó, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và là cơ sở để triển khai quy hoạch. Mục tiêu cao nhất của vùng ĐBSCL hướng tới là sự phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến... quy hoạch mới dựa trên sự tôn trọng quy luật tự nhiên phù hợp với điều kiện thực tế".

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP