|
“Bố mình mất rồi, mụ ấy còn tới đây làm chi nữa”. Cái suy nghĩ vì mụ mà mẹ tôi phải chịu bao sầu khổ, chị em tôi phải nghe bao lời xì xầm bàn tán đầy mặc cảm tủi hờn khiến đã có lúc trong đầu tôi xuất hiện bao suy nghĩ độc ác. Thậm chí ngày bố mất vì một tai nạn bất ngờ tôi còn không khóc. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, bố làm khổ mẹ con tôi vậy đủ rồi.
Tôi cứ đứng đó cho đến khi những lời trò chuyện dừng lại, người đàn bà đó quẹt nước mắt ra về khuất sau cánh cổng rồi mới chạy ra hỏi mẹ:
- Bà ấy đến đây làm chi rứa mẹ?
- Con trai cô ấy bị tai nạn, nghe nói mất máu nhiều, cô ấy đến xin mấy đứa có trùng nhóm máu thì tiếp máu cứu thằng bé.
- Nó có chết cũng liên quan chi đến con
Mẹ nhìn tôi, ánh mắt thôi hiền dịu, rành rọt từng tiếng một: Thằng bé là em con đó, con hiểu chưa?
Tôi chạy ra sau vườn, ngồi khóc ấm ức. Người lớn thật không thể nào hiểu nổi. Chẳng lẽ mẹ quên rồi vì ai mà mẹ khổ.
Ngày tôi bước vào tuổi dậy thì, biết đỏ mặt tương tư nhung nhớ cũng là ngày bố tôi trở về nhà, khuôn mặt rạng ngời niềm hân hoan vì có con riêng. Sự ra đời của một thằng bé mang cùng dòng máu khiến tôi cảm thấy tột cùng xấu hổ. Tôi đã từng bị bố tát đến tím mặt chỉ vì nói hỗn với bố. Tôi đã từng ước giá mà bố mình đi đâu đó thật xa không xuất hiện nữa. Và rồi bố đi thật, vĩnh viễn không bao giờ xuất hiện.
Ngày đưa tang bố, thằng bé được người đàn bà đó đưa đến nhà. Chính tay mẹ tôi đã chít lên đầu thằng bé vành khăn trắng. Không ai hiểu mẹ tôi nghĩ gì, nhiều người còn bảo mẹ tôi là gỗ đá không biết đau. Khi bị bà ngoại hờn trách vì sự bao dung, mẹ nói với bà: Thằng bé nó có tội gì đâu, nói gì thì nói đó cũng là cha của nó.
Bố không còn, mọi bàn tán xì xào cũng dần lắng xuống. Hai người phụ nữ vì một người đàn ông, nay người đàn ông đó không còn thì chẳng có gì liên quan đến nhau nữa. Phận ai người nấy lo, con ai người nấy dưỡng.
Điều tôi không hiểu nhất là mẹ. Mẹ bị bố phản bội ngang nhiên, thế nhưng chưa một lần mẹ đi đánh ghen, chưa một lần nói câu nào xúc xiểm đến người đàn bà đó. Lúc nào mẹ cũng dặn chị em tôi đừng để tâm thiên hạ nói gì, trẻ con chưa hiểu chuyện người lớn. Lúc nào mẹ cũng nói ông trời có mắt, ai đúng ai sai, ai tử tế hay xấu xa trời xanh nhìn thấy cả. Mẹ luôn nói như thể mẹ không đau, không khổ, nhưng đã bao đêm tôi thấy mẹ ngồi khóc co ro một mình, nhất là những đêm trời mưa gió, bố lại không có nhà. Có lẽ cái suy nghĩ bố đang ấm êm bên người đàn bà khác khiến mẹ càng thêm tủi thân, cô quạnh. Tôi hận bố mười phần thì giận mẹ đến năm phần, không hiểu tại mẹ quá hiền hay mẹ lo sợ điều gì mà cam chịu khổ đau.
Khóc chán, tôi bước vào nhà, mẹ vẫn còn ngồi ở đó. Mẹ bảo tôi ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng nắm lấy tay. Lời mẹ chưa bao giờ dịu dàng đến thế, nhẹ nhàng nhưng tôi nghe như chất chứa cả một trời đau thương dồn nén:
“Con là chị cả trong nhà, con nhiều tuổi hơn các em, mẹ nghĩ con là người hiểu chuyện. Mẹ thực sự đau lòng khi nhìn các con lớn lên trong tủi hổ vì gia đình không hạnh phúc. Là bố không tốt, mẹ không tốt, cô ấy không tốt. Nhưng thằng bé, nó tuyệt nhiên không có lỗi gì. Nó cũng giống như con, không được chọn bố chọn mẹ, không được chọn nơi mình sinh ra. Nhưng dù có nói gì đi nữa thì có một sự thật không thể thay đổi, nó chính là em con.
Thằng bé sáng nay chạy chơi ngoài đường, bị xe máy tông phải, mất rất nhiều máu. Bố không còn, nó chỉ còn cách trông cậy vào các con vì các con là chị của nó. Con hãy cùng mẹ đến bệnh viện, nếu kết quả kiểm tra cùng nhóm máu, con có thể cứu thằng bé qua cơn nguy.
Mẹ hận thì ích gì, mẹ khóc thì ích gì, khi mà càng để tâm càng khiến mẹ thêm mệt mỏi. Nỗi hận thù nó đáng sợ lắm, nếu mẹ không thể vứt bỏ nó đi, nó sẽ lủng lẳng trong tim, nó sẽ hành hạ mẹ, và rồi cuối cùng nó sẽ phá hoại cuộc đời của mẹ, cuộc đời các con. Mẹ không muốn mình suốt đời phải khổ sở vì sai lầm của người khác.
Con là con gái, con rồi cũng sẽ yêu, cũng sẽ vì một người đàn ông mà yêu thương mà hờn giận. Nhưng dù con có bị người ta đối xử tệ bạc thế nào thì con cũng tuyệt đối không được bạc đãi bản thân. Đừng khổ sở quá nhiều vì một người không xứng đáng”.
Đó là lần đầu tiên mẹ nói với tôi nhiều như thế. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe tên người đàn bà đó mà không cảm thấy bực bội. Tôi nhớ đến thằng bé con có mái tóc thưa hung vàng. Nhớ nụ cười của nó mỗi lần tôi đạp xe ngang qua. Nhớ đôi mắt mở to không hiểu vì sao mấy đứa trẻ khác không gọi nó bằng tên mà lại gọi bằng hai từ “con hoang” cay nghiệt.
Mẹ nói đúng, tha thứ không thể làm thay đổi quá khứ nhưng nó có thể khiến tương lai tốt đẹp hơn. Tôi nhớ đến một câu văn trong một truyện ngắn tôi từng đọc: “Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”
Tác giả: Hằng Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí