Phụ huynh là chị N.T.Thủy, có con đang học tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội).
Chị Thủy chia sẻ: “Con có lỗi thì phải nghỉ học là đương nhiên. Nhưng con mới học lớp 2, cô giáo cho con nghỉ học nhưng lại chỉ nói với con yêu cầu về nói với bố mẹ mà không một tin nhắn hay cuộc điện thoại trao đổi với phụ huynh".
Lỗi mà chị Thủy cho là không đáng phải nghỉ học là con trai chị bị cô giáo phạt viết bản kiểm điểm vì nói chuyện riêng với bạn bàn trên khi bạn quay xuống.
Ngoài ra, vì mỏi người nên 3 lần cháu đứng dậy cho đỡ mỏi, nhưng vẫn bị cô phạt bằng cách bắt đứng yên tại chỗ làm bài.
Tối hôm đó con chị về nhận lỗi nhưng không nói về việc cô cho nghỉ học nên sáng 24/10 chị Thủy vẫn cho con đi học bình thường. Tuy nhiên, khi đến đón con thì thấy con khóc lóc, các bạn trong lớp xúm lại nói vì hôm qua cô phạt nghỉ học nhưng bạn không nghỉ học nên hôm nay cô nói bạn trước lớp.
Bản kiểm điểm do con chị Thủy làm |
Chị Thủy bày tỏ dù bản thân cũng là giáo viên nhưng "quá sốc" khi con trai thông báo cô buộc nghỉ học. Chia sẻ với VietNamNet, chị Thủy cho rằng con mới lên lớp 2, lại là con trai, nên cháu hiếu động là chuyện bình thường và chị khó có thể đồng ý với cách hành xử của cô giáo.
"Tôi cũng là giáo viên, cũng có 12 năm kinh nghiệm đứng trên bục giảng, nhưng chưa bao giờ cho phép mình có quyền đình chỉ 1 học sinh phải nghỉ học. Ít nhất phải có sự trao đổi với phụ huynh, lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba mà không có sự chuyển biến thì mới phạt nghỉ học. Chưa nói tới việc nếu có quyết định đình chỉ nghỉ học thì phải có văn bản giữa giáo viên và nhà trường với phụ huynh về việc này".
Chị Thủy cho rằng “Với những lỗi của con như nói chuyện riêng hay vì mỏi người mà đứng dậy trong lớp không đến mức mà cô phải đình chỉ con nghỉ học".
"Tôi đau xót khi con còn bé mà đã thốt lên "con chán đến trường, đến lớp lắm". Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, vậy mà sau ngày hôm nay, con chỉ nằng nặc đòi mẹ chuyển trường, chuyển lớp vì xấu hổ với các bạn”.
Chị Thủy cho biết, thấy phản ứng của con, chị đã gọi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm Lan Anh hơn 1 giờ đồng hồ, và đã phải khóc vì không tìm được tiếng nói chung.
"Cô chủ nhiệm vẫn nói rằng như vậy là không sai, rằng từ trước nay cô chỉ phạt và rồi yêu cầu học sinh về thông báo với bố mẹ gọi điện cho cô. Cô giáo cũng giải thích việc con tôi bị đuổi học là do mắc lỗi quá nhiều lần và từ lâu rồi. Tôi có hỏi là từ rất lâu, vậy tại sao cô lại không thông báo thì cô tỏ ý chỉ nói qua các con chứ không có thời gian nhắn tin cho phụ huynh hay gặp để trao đổi..." - chị Thủy thuật lại cuộc nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm.
"Vậy sinh ra sổ liên lạc điện tử để làm gì, khi mà chúng tôi đóng tiền hàng tháng cho trường để có sự gắn kết trao đổi giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh” - chị Thủy đặt câu hỏi.
Sau đó, chị Thủy đã liên hệ tới hiệu trưởng và nhà trường sẽ có buổi làm việc chính thức với chị để trao đổi rõ hơn về sự việc.
“Tôi phải gặp hiệu trưởng vì không tìm được tiếng nói chung với cô chủ nhiệm. Tôi cũng muốn xin cho con mình không tiếp tục học tiếp cô giáo chủ nhiệm đó nữa bởi tôi thấy con bị tổn thương tinh thần. Nếu hiệu trưởng không đồng ý, tôi sẽ xin cho con được chuyển lớp. Nếu không được nữa thì sẽ phải xin cho con chuyển trường”.
Trao đổi với VietNamNet, bà Hà Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công cho hay nhà trường đã nắm bắt được sự việc này. Từ 16h chiều nay 25/10, ban giám hiệu sẽ có cuộc họp với phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm Lan Anh để giải quyết khúc mắc và xử lý sự việc.
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet