Trạm thu phí BOT Bờ Đậu chưa hoạt động nhưng đã nhiều lần bị dân phản đối ẢNH: THÁI SƠN |
“đặt nhầm chỗ” vẫn cho tồn tại
Các trạm đặt sai vị trí, trong đó có các trạm theo lý giải của Bộ GTVT do “lịch sử để lại” như: trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí cho tuyến tránh TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (trạm đặt cách dự án tuyến tránh gần 40 km), 2 trạm thu phí trên QL5 (thu hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).
Các trạm tận thu, làm đường này thu đường khác, dự án “xôi kèm lạc” làm đường tránh nhưng được cho phép làm thêm một đoạn nâng cấp mặt đường QL để thu cả 2 tuyến, như 2 trạm BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 (thu cho dự án đường tránh TP.Vinh, Nghệ An); BOT QL32 qua Tam Nông, Phú Thọ (trạm đặt trên QL32 nhưng thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ QL32 đến Hương Nộn, Phú Thọ và nâng cấp QL32); BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (1 trạm trên cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và 1 trạm trên QL6)...
Trước và sau BOT Cai Lậy, đã có nhiều tranh chấp giữa giới tài xế, người dân với nhà đầu tư tại các trạm sai vị trí, gây ùn tắc kéo dài nhiều ngày, nhiều dự án phải xả trạm như BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, BOT QL6 Xuân Mai - Hòa Bình... Phản ứng gay gắt của người dân khiến Bộ GTVT và các nhà đầu tư dự án phải tính toán giảm phí, miễn giảm cho người dân qua trạm, rút ngắn thời gian thu phí hoàn vốn.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt nhất là vị trí trạm, cho tới nay, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết triệt để, và các trạm “đặt nhầm chỗ” vẫn tiếp tục được cho tồn tại, bất chấp bức xúc của người dân.
Nhiều sai phạm trong cấp phép của Bộ GTVT
Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều kết luận chỉ rõ sai phạm liên quan đến các dự án BOT được cho phép “đặt nhầm chỗ”.
Điển hình, với dự án BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Thanh tra Chính phủ cho biết theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 thì tuyến QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình phải nâng cấp thành đường cấp 2, 4 làn xe. Tuy nhiên, việc phê duyệt dự án của Bộ GTVT đã quyết định đầu tư nâng cấp đường không đạt tiêu chuẩn quy hoạch. Việc Bộ GTVT quyết định đầu tư ghép việc cải tạo nâng cấp QL6 với đầu tư xây dựng mới đường Hòa Lạc - Hòa Bình thành 1 dự án và đặt trạm thu phí ở cả 2 tuyến là bất hợp lý.
Lý do, khi dự án đi vào khai thác, việc thu tăng mức phí với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến QL6 để bù đắp vốn đầu tư đoạn tuyến Hòa Bình - Hòa Lạc trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu quy định tại Nghị định 108/2009.
Chưa kể, dự án BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được Bộ GTVT chỉ định thầu; trong số các nhà thầu liên danh đã có đơn vị không đủ kinh phí để góp theo mức hợp đồng.
Thái Nguyên đề nghị bỏ Trạm BOT Bờ đậu Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã hoàn thành vào tháng 3.2017 nhưng đến nay chưa thể thu phí do người dân nhiều lần phản đối, dù nhà đầu tư cam kết giảm phí. Lý do, dự án đặt 2 trạm thu phí (cách nhau khoảng 1 km) thu cho 2 đường là tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm Bờ Đậu thu cho dự án nâng cấp, mở rộng QL3 cũ đoạn Km 75 - Km 100. Vị trí đặt Trạm thu phí Bờ Đậu khiến các chủ phương tiện từ H.Đại Từ (Thái Nguyên) đi H.Sơn Dương (Tuyên Quang) theo QL37, dù chỉ đi qua trạm BOT 2 km vẫn mất phí toàn tuyến. Đáng chú ý, kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 8 cho biết dự án có nhiều sai phạm trong quy hoạch, đặc biệt Bộ GTVT đã phê duyệt lồng ghép làm đường cao tốc mới với cải tạo, nâng cấp QL3 cũ (đáng lẽ phải thực hiện bằng nguồn vốn bảo trì) không đúng quy định. Trao đổi với Thanh Niên sáng 4.12, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét giải quyết một số vướng mắc liên quan trạm thu phí trên tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới. Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, dỡ bỏ Trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Km 77+922,5 QL3); cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới. |
Tác giả: Mai Hà - Thái Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh niên