Lần đầu điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần |
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, dự thảo quy chế tuyển sinh 2021 đang được hoàn thành; So với năm 2020, Bộ GD&ĐT điều chỉnh 2 điểm quan trọng. Đó là thay vì đăng ký nguyện vọng tuyển sinh bằng phiếu giấy như mọi năm, năm nay, thí sinh được đăng ký bằng hình thức trực tuyến. Một điều chỉnh quan trọng nữa là sau khi biết điểm thi, trong khoảng thời gian quy định, dự kiến, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, thay vì 1 lần như những năm trước. Đây là lần đầu tiên thí sinh được quyền ưu tiên này.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh đăng ký thi và xét tuyển sinh trực tuyến là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Với thí sinh không đủ điều kiện để đăng ký trực tuyến, các trường THPT cần tạo điều kiện cho các em đăng ký tại trường. Ông Điền cho rằng, khó khăn khi cho thí sinh đăng ký thi và xét tuyển trực tuyến là bỏ qua một bước lọc thông tin.
Hằng năm, khi thí sinh đăng ký bằng phiếu giấy, giáo viên chủ nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm rà soát lại thông tin các em đã khai. Nếu đăng ký trực tuyến, thí sinh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin đã khai. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần có giải pháp để hỗ trợ. Thông tin thí sinh hay sai sót nhất chính là đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên. Thế nhưng ông Điền nói rằng, thời gian qua, đội ngũ giáo viên các địa phương đã nắm chắc những quy định này nên sẽ có trách nhiệm tư vấn cụ thể cho học sinh.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay, trường ủng hộ phương án cho thí sinh thay đổi nguyện vọng nhiều hơn 1 lần. Phương án này sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh, bởi thực tế, nhiều em vội vã thay đổi khi chưa cân nhắc nên không còn “đường lui” dù thời gian thay đổi nguyện vọng vẫn còn. Do đó, ông Triệu cho rằng, thay vì quy định số lần thí sinh được thay đổi nguyện vọng, Bộ GD&ĐT nên quy định thời hạn cuối cùng để thay đổi nguyện vọng. “Trong thời gian đó, các em có thể thay đổi bao nhiêu lần không quan trọng, quan trọng nhất là lần thay đổi cuối cùng để chốt lại. Hiện nay, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đang xây dựng phần mềm phục vụ tuyển sinh theo hướng này để tạo thuận lợi cho thí sinh”, ông nói.
Tháng này công bố đề thi tốt nghiệp tham khảo
Với tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát như hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kế hoạch thời gian năm học cơ bản chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, cần chuẩn bị sẵn sàng kịch bản khác nhau tương ứng với từng tình huống có thể xảy ra để tránh bị động, lúng túng trong công tác chỉ đạo.
Đối với 2 nhiệm vụ quan trọng là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, theo ông Nhạ, từ khóa là giữ ổn định và sẵn sàng phương án tình huống khác nhau. Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của bộ đang khẩn trương chuẩn bị bộ đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến công bố trong tháng 3. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lưu ý: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn trong bối cảnh dịch COVID-19, vì vậy, vẫn phải tính toán điều chỉnh hệ thống câu hỏi, bài thi sao cho hợp lý”.
Theo khảo sát, các trường khu vực phía Bắc dự kiến có 3-5 phương thức tuyển sinh. Đến nay, khu vực này có 2 cơ sở công bố tổ chức thêm một kỳ thi riêng để bổ sung phương thức tuyển sinh. Đó là Đại học Quốc gia Hà Nội với kỳ thi đánh giá năng lực (dự kiến công bố đề thi ngày 15/3 để thí sinh tham khảo) và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với kỳ thi kiểm tra tư duy.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học 2021-2022, Trung tâm được giao tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT, trong đó bài thi có nhiều mục đích, hướng tới đánh giá toàn diện học sinh sau khi kết thúc bậc học THPT. Bài thi sẽ gồm tổng cộng 150 câu hỏi, trong đó có 50 câu hỏi thuộc tư duy định lượng, 50 câu hỏi tư duy định tính, 50 câu hỏi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Thời gian làm bài thi 195 phút. |
Tác giả: NGHIÊM HUÊ
Nguồn tin: Báo Tiền phong