Tin địa phương

Cổ phiếu DNY vào diện cảnh báo: Chính quyền TP.Đà Nẵng nghĩ gì?

Cổ phiếu DNY của Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý chính thức bị đưa vào diện cảnh báo. Cổ phiếu này cũng bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Liệu những cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền TP.Đà Nẵng đã thành hiện thực?

Bắt đầu từ ngày 3/12, Cổ phiếu DNY của Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý chính thức bị đưa vào diện cảnh báo theo Thông báo số 1435/TB-SGDHN của Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với lý do là Công ty CP Thép Dana - Ý ngừng các hoạt động kinh doanh hơn 3 tháng, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định tại điểm 1.2, khoản 1 điều 12 Quy chế niêm yết.

Với việc bị đưa vào diện cảnh báo, Cổ phiếu DNY đồng thời bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.

Cũng theo thông báo của HNX, Cổ phiếu DNY chỉ được thông báo là "ra khỏi diện cảnh báo" khi Công ty CP thép Dana - Ý khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị cảnh báo theo quy chế.

Sự việc 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý bị người dân bao vây không cho hoạt động đã kéo dai dẳng từ tháng 2/2018 đến nay với hàng chục cuộc họp nhưng TP. Đà Nẵng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể cho thấy sự tích cực giải quyết vấn đề hoặc chỉ “hứa rồi để đó” và sự bất nhất về quan điểm giải quyết vụ việc thông qua các quyết định của các cơ quan khác nhau tại TP. Đà Nẵng.

Ngày 6/11, tại Chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri lần 4, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng - đề nghị phải sớm giải quyết dứt điểm vụ việc 2 nhà máy thép, đảm bảo quyền của người dân và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp.

Trong tất cả các buổi đối thoại về sự việc, chính quyền TP. Đà Nẵng luôn truyền tải thông điệp "Chính quyền thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp"

Cũng tại đây, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng - ông Tô Văn Hùng - cho biết, sai phạm của 2 nhà máy là khoảng cách ly, thực hiện tốt môi trường thì có thể rút ngắn khoảng cách ly. Và 2 nhà máy thép sẽ được hoạt động trở lại khi khắc phục được vấn đề môi trường.

Còn Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ - cho biết, vẫn đang tích cực tìm giải pháp giải quyết vụ việc. Nhưng ông Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận sẽ bế tắc nếu 2 công ty thép khắc phục được vấn đề môi trường thì bước tiếp theo sẽ thế nào? Theo quy định, 2 công ty sẽ được hoạt động lại, nhưng người dân thì sao, họ có chịu không? Và tiếp tục để ngỏ vấn đề.

Mới đây nhất, ngày 22/11, UBND TP. Đà Nẵng lại tiếp tục ký Quyết định 5585/QĐ-XPVPHC và 5586/QĐ-XPVPHC xử phạt hành chính 2 nhà máy thép. 2 đơn vị này phải nộp phạt tổng 1,14 tỷ đồng (Công ty Dana Ý 400 triệu đồng, Dana Úc 740 triệu đồng) và tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng.

Bao giờ Cổ phiếu DNY mới được ra khỏi diện cảnh báo?

Về phía doanh nghiệp, Công ty CP Thép Dana Ý đã có đơn “kêu cứu” gửi Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đề nghị TP. Đà Nẵng giải quyết, sớm báo cáo.

Doanh nghiệp này không đồng ý với kết luận thanh tra và cho rằng: “Sai phạm là chính quyền thành phố thực hiện không đúng quy hoạch. Nhà máy thép chuyển lên KCN Thanh Vinh là do TP. Đà Nẵng yêu cầu chuyển. Chính quyền TP. Đà Nẵng nói sẽ giải tỏa dân nhưng không thực hiện được. Không những vậy còn để nhiều nhà dân tiếp tục xây dựng sát nhà máy thép. Vì vậy, việc ô nhiễm là không thể tránh khỏi vì người dân đã đi vào khoảng cấm cách ly”. Được biết, không đồng tình với yêu cầu tiếp tục dừng hoạt động trong 6 tháng, Công ty Cổ phần Thép Dana Ý đang làm thủ tục khiếu nại quyết định của UBND thành phố.

Công ty này cũng nhiều lần đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả quan trắc môi trường tại nhà máy. Đây cũng là vấn đề được cả người dân khu vực xung quanh nhà máy và dư luận quan tâm. Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua với rất nhiều cuộc thanh kiểm tra, vẫn chưa một lần kết quả này được thông báo công khai.

Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm đến nay, giá Cổ phiếu DNY đã giảm 60,67% và còn 3.700 đồng/cổ phiếu và không có cổ phiếu nào được giao dịch.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Trong tất cả các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo chính quyền thành phố đều cam kết “luôn sát cánh cùng doanh nghiệp; đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi (theo quy định của pháp luật)”. Vậy chỉ qua cách xử lý vụ việc 2 nhà máy thép, liệu những cam kết đó đã thành hiện thực?

Tác giả: Vũ Lê

Nguồn tin: Báo Công thương

  Từ khóa: nhà máy thép , cổ phiếu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP